Da với tổng diện tích vào khoảng 2m2, chiếm 1/6 trọng lượng cơ thể là lớp bảo vệ đầu tiên, đóng vai trò đặc biệt quan trọng như điều hòa nhiệt độ, chống lại sự tấn công của các loại vi khuẩn, virus từ bên ngoài.
Hôm nay hãy cùng Hello!PháiĐẹp tìm hiểu thật kỹ về cấu tạo cũng như chức năng của da, đây chính là kiến thức cơ bản mà bất cứ bạn gái nào cũng nên nắm vững trước khi tìm hiểu về các bước tiếp theo trong chăm sóc và làm đẹp da.
QUAN TRỌNG: Sở hữu vẻ đẹp không tuổi với quy trình 8 bước chăm sóc da mặt hàng ngày!
QUAN TRỌNG: Cách xác định 5 loại da cơ bản và ưu nhược điểm cần ghi nhớ
Cấu tạo của làn da
Da được chia làm 3 lớp chính bao gồm: biểu bì – trung bì – hạ bì và mô mỡ dưới da, mỗi lớp sau đó lại đia chia thành nhiều lớp và nhiều thành phần thay thế khác.
Bên cạnh cấu trúc chính, da còn có những phần phụ khác bao gồm các nang và tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn với những vai trò khác nhau.
Dưới đây, hãy cùng Hello!Pháiđẹp tìm hiểu kỹ hơn về mỗi cấu trúc này.
Lớp biểu bì – Lớp thượng bì

Là lớp da trên cùng, dày khoảng 0.1-1.4mm tùy theo từng vùng da, mỏng nhất chính là vùng mi mắt – đây cũng là lý do vì sao đây là khu vực dễ bị tổn thương, lão hóa và cần chăm sóc đặc biệt nhất, và dày nhất chính là lòng bàn tay, bàn chân. Đây cũng là lớp da có khả năng tái tạo nhanh nhất, nhưng đặc điểm này cũng suy giảm qua thời gian.
Tế bào chính của lớp thượng bì gọi là tế bào sừng (keratinocyte) sản xuất ra chất sừng (protein keratin).
Chức năng cơ bản của lớp biểu bì bao gồm:
+ Bảo vệ da khỏi tác nhân bên ngoài môi trường: Bụi bẩn, ánh nắng, ô nhiễm
+ Quyết định tới màu sắc và hình thái bên ngoài của làn da
+ Giữ ẩm cho da, chống lại quá trình mất nước, từ đó hạn chế lão hóa da.
Bởi những chức năng trên, đây là lớp da quan trọng khi bạn muốn quan tâm tới các vấn đề làm đẹp như dưỡng trắng, trị thâm, nám, dưỡng ẩm hay làm sạch da.
Cấu tạo lớp biểu bì lại được chia ra thành 5 lớp khác nhau, từ trong ra ngoài bao gồm:
- Lớp đáy (Stratum basale)
Hay còn gọi là lớp cơ bản, lớp sinh sản, lớp sâu nhất của thượng bì gồm một lớp tế bào hình trụ nằm ngay sát phía trên màng đáy với nhân bầu dục. Đây là nơi sản sinh ra các tế bào keratinocyte – chính là những tế bào cấu tạo lên da tại lớp biểu bì, hay tế bào da mới.
Những tế bào được sản sinh ở lớp trong cùng này di chuyển dần lên bề mặt da với mỗi chu kỳ khoảng 28 ngày, và dài hơn khi da bị lão hóa. Quá trình này điễ ra với nhiều giai đoạn khác nhau được gọi là quá trình sừng hóa, khiến cho mỗi lớp của tầng biểu bì trở lên khác biệt.
Bên cạnh tế bào cơ bản, nằm rải rác trong lớp đáy còn có những tế bào sáng, tế bào có tua, đó là những tế bào sắc tố (melanocyte), đây là nơi sản sinh ra sắc tố melanin, có mặt ở những vùng tiếp xúc nhiều với ánh sáng, nhất là vùng mặt.
Lớp đáy cũng là vị trí giữ nước tốt nhất cho da, 70-75% lượng nước ở lớp biểu bì tập trung tại đây.
- Lớp gai (Stratum spinosum)
Hay còn gọi là lớp tế bào vẩy, là lớp tế bào hình đa diện do các tế bào của lớp đáy di chuyển lên mà hình thành, với khoảng 5-12 hàng, càng đi lên các tế bào càng dẹt.
Ở lớp này, các tế bào keratinocytes sản sinh chất sừng chính là các sợi protein, tại đây các tế bào nằm sát nhau, nối với nhau bằng cầu nối gian bào, giúp cho lớp thượng bì vững chắc và không bị ngấm nước từ bên ngoài cũng không bị thoát nước từ bên trong, chống lại các tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài.
- Lớp hạt (Stratum granulosum):
Gồm 4 màng tế bào, tại lớp này quá trình sừng hóa bắt đầu khi tế bào da bắt đầu sản sinh ra các hạt nhỏ, những hạt này sẽ di chuyển lên trên biến đổi thành chất sừng và các lipid biểu bì.
- Lớp bóng (Stratum lucidium): Là nơi các tế bào được ép, trở nên phẳng và không thể phân biệt được.
- Lớp sừng (Stratum corneum): Là lớp ngoài cùng của da, đóng vai trò quan trọng trong chức năng bảo vệ.
Lớp sừng được bao bọc bởi 2 thành phần chính, 1 là tế bào được gọi là corneocytes, chính là kết quả cuối cùng của quá trình biệt hóa các tế bào của lớp thượng bì, những tế bào này xếp chồng chéo lên nhau tạo ra khoảng 20 lớp, lớp tế bào này được nhúng trong một ma trận kỵ nước, được tạo thành từ lipit biểu bì từ lớp hạt còn được gọi là màng hydrolipit, là phần quan trọng có chức năng giữ nước của da.
Phía trên màng hydrolipit còn cón một màng khác bao gồm nước, các acid béo, các loại amino axit và axit khác, các nhân tố dưỡng ẩm tự nhiên (NMFs) được đóng góp bởi tuyến bã nhờn và mồ hôi bao gồm:
+ Axit lactic và một số amino axit từ mồ hôi, tuyến bã nhờn
+ Các axit tự do từ dầu và bã nhờn
+ Các amino axit, axit cacboxilic pyrrolidine và các nhân tố tạo đổ ẩm.

Chính bởi chứa axit và có độ pH khoảng khoảng 4.5-6.2, tốt nhất là khoảng 5.5-5.9, đây được gọi là lớp màng axit bảo vệ da và cũng là môi trường rất lý tưởng cho việc:
+ Giúp các vi sinh vật tốt trên da phát triển và kìm hãm sự phát triển của các vi khuẩn có hại.
+ Tăng cường sự hình thành lipit biểu bì tại lớp hạt, tăng hiệu quả bảo vệ da.
+ Những enzym kiểm soát quá trình tróc vẩy trên da
+ Giúp lớp sừng dễ dàng tự phục hồi khi bị tổn thương.
+ Ngăn ngừa quá trình bay hơi nước từ các lớp da bên trong, ngừa khô da và lão hóa sớm.
Bởi vậy, lớp màng acid này có vai trò rất quan trọng, giúp gắn kết các tế bào sừng với nhau, tạo ra hàng rào bảo vệ, chống lại sự tấn công của vi khuẩn và bụi bẩn, đồng thời ngăn ngừa quá trình bay hơi nước, giữ độ ẩm cho da.
Khi lớp màng acid này bị mỏng và yếu đi, sự liên kết giữa các tế bào lớp sừng bị yếu đi, da sẽ dễ dàng mất nước, bong tróc và bị tấn công bởi các yếu tố bên ngoài, dễ bị nhiễm trùng, nhạy cảm với tia cực tím, hóa chất, trở lên khô, kích ứng và bong da.
Những thông tin về lớp màng acid bảo vệ da là kiến thức quan trọng, giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp chăm sóc da cũng như việc lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Lớp trung bì – Lớp giữa của da
Lớp trung bì được phân tách với lớp biểu bì qua lớp tế bào đáy với những đường gợn sóng với độ dày khoảng 0.5 – 4mm, và được xem là nền móng của da với những vai trò:
+ Cung cấp oxy, nước và các chất dinh dưỡng cho lớp biểu bì.
+ Điều hòa thân nhiệt.
+ Nâng đỡ cấu trúc da, tạo độ đàn hồi cho da đồng thời bảo vệ co các cấu trúc sâu hơn của da.
+ Quyết định mức độ nhạy cảm của da.
Với chức năng trên, nếu bạn đang gặp phải tình trạng lão hóa da như da trùng, nhão, chảy xệ, mụn ẩn hay nám chân sâu, thì đây chính là lớp da mà bạn cần quan tâm.
Lớp trung bì được chia thành 2 lớp bao gồm lớp nhú (lớp trung bì nông) và lớp lưới (lớp trung bì sâu).
- Lớp nhú
Đây là lớp nuôi dưỡng với những gai nhô lên ăn sâu vào lớp thượng bì, lớp này chứa rất nhiều mao mạch, đây cũng là lớp tiếp giáp vận chuyển nước, chất dinh dưỡng lên lớp thượng bì.
- Lớp lưới
Cấu tạo của lớp lưới bao gồm sợi chống đỡ, những tế bào da, mạch máu, dây thần kinh, đây được gọi là cấu trúc nền của da.

- Sợ chống đỡ: Đây là những cấu trúc tạo lên sự đàn hồi và cấu trúc vững chắc của da, gồm 4 loại:
+ Sợi keo (collagen)
Đây là cấu trúc quan trọng nhất trong việc giữ cho làn da của bạn luôn căng mọng, chống đỡ da giúp cho các thành phần khác có không gian phát triển.
Sợi keo ở dạng sợi thẳng, không phân nhánh, được cấu thành bởi những sợi protein xoắn lại với nhau, với thành phần khoảng 20 loại acid amin khác nhau, chủ yếu là glycin và argenin.
+ Sợi chun (elastin)
Còn được gọi là sợi đàn hồi, rất mỏng, được hình thành từ sợi keo, rất mảnh phân nhánh và lượn sóng có tác dụng tạo ra độ đàn hồi cho da, chống lại các ngoại lực từ phía bên ngoài.
+ Sợi lưới: Có cấu trúc giống sợi keo, hình thành quanh mạch máu và tuyến mồ hôi.
+ Sợi liên võng: Là dạng đặc biệt của sợi keo, tập trung ở phần trung bì nông và phần phụ của da, mạch máu.
Mặc dù được bảo vệ qua lớp thượng bì, lớp nhú nhưng các sợi collagen, elastin và liên kết trong lớp trung bì vẫn bị ảnh hưởng bởi các nhân tố bên ngoài như tia UVA trong ánh nắng mặt trời, hóa chất, mỹ phẩm, hay các tổn thương do mụn. Những nhân tố này sản sinh ra men collagenase.
- Chất nền
Đây là một nhóm các chất liên quan đến khả năng hấp thụ nước của da (các chất humectant), có tác dụng hyrat hóa cho bằng cách hút nước từ môi trường và trong cơ thể vào lớp nền của da, mà quan trọng nhất là Hyaluronic Acid.
Với khả năng này, các phân tử Glycosaminoglycans cùng với nước sẽ tạo thành một chất gel, lấp đầy không gian giữa các sợi collagen, elastin, từ đó hỗ trợ các sợi protein này ở trạng thái cân bằng nhất.
Trong cấu trúc nền, những Glycosaminoglycans có thể gắn kết với nhau, bám vào Protein lõi tạo thành một loại Glycoprotein có tên là Proteoglycan.
Các sợi và cấu trúc này có nguồn gốc từ nguyên bào sợi cũng nằm trong lớp trung bì, bởi vậy có thể phục hồi. Tuy nhiên theo thời gian, dưới tác dụng của tuổi tác, UVA, UVB và các hóa chất sản sinh ra men collagenase và gốc tự do có thể làm suy giảm chức năng của nguyên bào sợi, dẫn tới giảm tổng hợp các chất nền và sợi, khiến da bị lão hóa.
Bên cạnh các sợi chống đỡ, lớp trung bì còn được nấp đầy bởi những thành phần là nơi chứa các tế bào, mạch máu, tế bào thần kinh xúc giác và các mô liên kết.
Lớp hạ bì – Lớp mỡ dưới da
Là cấu trúc sâu nhất trong da, nằm giữa trung bì và cơ hoặc màng xương, được biệt hóa thành những tổ chức mỡ với nhiều vách nối liền với trung bì, bên trong gồm ác mạch máu và dây thần kinh.
Độ dày của lớp hạ bì tùy thuộc vào từng người, là nơi dự trữ mỡ, năng lượng cũng như đóng vai trò điều hòa thân nhiệt và giảm những chấn động từ bên ngoài vào các cấu trúc bên trong.
Đặc biệt, mô mỡ có thể độc lập tổng hợp estrogen và testosterone, nên ảnh hưởng tới sự cân bằng hormone, từ đó ảnh hưởng tới rất nhiều vấn đề trong cơ thể và làn da.
Các phần phụ của da

Bên cạnh 3 lớp chính với cấu trúc và chức năng riêng biệt, da còn là nơi tập trung của tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn và nang lông.
- Tuyến mồ hôi
Là tuyến ngoại tiết nằm trên da với số lượng khoảng 2,5 triệu tuyến, có chức năng tiết mồ hôi và điều hòa thân nhiệt cho cơ thể, được điều khiển bởi thần kinhg giao cảm.
- Tuyến bã nhờn
Cũng là tuyến ngoại tiết nằm cạnh các nang lông, thông với nang lông bằng ống tiết.
Vai trò của tuyến bã nhờn là tiết ra bã nhờn, đẩy bụi bẩn ra khỏi nang lông, đồng thời góp phần vào tạo ra lớp acid bảo vệ da.
Mức độ hoạt động của tuyến bã nhờn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm nội tiết, độ ẩm của da, lượng bụi bẩn trên da…
Dựa vào mức độ hoạt động của tuyến bã nhờn chính là cách phân biệt các loại da bao gồm: da khô, da thường, da dầu hay da hỗn hợp.
- Nang lông
Là phần lõm xuống của thượng bì chứa sợi lông và tiếp cận tuyến bã nhờn, đây cũng là phần dễ bị xâm nhập bởi bụi bẩn, tế bào chết và vi khuẩn, gây ra những vấn đề như mụn, viêm da hay lão hóa sớm.
Chức năng của da
Làn da chính là lớp bảo vệ đầu tiên và quan trọng của cơ thể trước các yếu tố từ bên trong và bên ngoài, với những chức năng chính:
Bảo vệ và giữ ẩm
Khi môi trường bên ngoài nóng, lạnh, hanh khô da rất dễ bị mất nước, lúc này lớp màng acid ngoài lớp thượng bì là gel gắn kết chứa hyaluronic acid trong lớp trung bì sẽ có tác dụng gắn kết nước, duy trì mức độ mềm mại cho da, ngăn cản sự bay hơi của nước.
Nếu những lớp bảo vệ bị suy yếu, da sẽ mất đi độ ẩm trở nên khô, sần sùi, nứt nẻ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, đồng thời phá hỏng các liên kết dưới da, gây ra những nếp nhăn, vết chân chim.
Không chỉ vậy, khi cấu trúc da bị phá vỡ, lượng melanin do lớp thượng bì sản sinh có khả năng không đi lên trên mà đi sâu vào lớp trung bì, hạ bì, tạo ra các vết nám đốm, mất thẩm mỹ và khó điều trị.
Bảo vệ da khỏi bức xạ mặt trời
Những tia UVA, UVB ảnh hưởng rất lớn tới lớp trung bì và hạ bì, lúc này các tế bào sắc tố da sẽ sản sinh melanin để bảo vệ da.
Tuy nhiên nếu không tăng cường những phương pháp chống nắng khác, sự tăng sinh quá nhiều melanin có thể gây ra một số vấn đề bao gồm sạm, nám hoặc chứng tăng sắc tố da.
Bảo vệ da khỏi các nhân tố: hóa chất, virus, vi khuẩn
Lớp màng acid trên da có tác dụng quan trọng trong việc bảo vệ da khỏi những hóa chất có tính kiềm gây hại, đòng thời tạo môi trường có lợi cho vi khuẩn tốt và tiêu diệt những vi khuẩn ưa kiềm gây nấm và mụn.
Phục hồi các vết thương
Khả năng sản sinh collagen ở lớp trung bì và mô mỡ ở lớp hạ bì giúp phục hồi các vết thương cho da, ngăn chặn sự hình thành sẹo.
Điều hòa thân nhiệt
Tất cả lớp các lớp da và phần phụ trên da đều góp phần điều hòa và duy trì thân nhiệt của con người.
Kiểm soát cảm xúc:
Hệ thống thần kinh của da chính là cơ quan xúc giác, có vai trò quan trọng trong hệ thần kinh trung ương, giúp cơ thể cảm nhận sự thay đổi của môi trường từ đó có những phản ứng phù hợp.
Các nhân tố ảnh hưởng đến da
Sức khỏe và vẻ bên ngoài của làn da bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố từ cả bên trong và bên ngoài, trong đó có một số nguyên nhân không thể can thiệp, nhưng cũng có rất nhiều yếu tố có thể cải thiện.
Yếu tố bên trong (nội sinh)

- Di truyền qua gen
Đây là những đặc điểm cấu tạo làn da được quy định trong gen, bao gồm hoạt động của hệ thống nội tiết, cấu trúc đặc điểm riêng biệt của mỗi làn da, từ đó sẽ quy định những yếu tố sau:
+ Loại da: Bao gồm da dầu, da khô, da hỗn hợp, và những tình trạng mà da có thể gặp phải như da mỏng, lỗ chân lông to, mức độ kích ứng cao.
+ Tốc độ lão hóa sinh học (lão hóa tự nhiên) của da với những đặc điểm:
Sự suy giảm chức năng tái tạo và phụ hồi tế bào da qua tuổi tác.
Sự giảm hoạt động của tuyến mồ hôi và bã nhờn theo tuổi tác, từ đó ảnh hưởng lớn tới lớp bảo acid bảo vệ da.
Tốc độ thoái hóa của các mô liên kết, những cấu trúc đàn hồi, khiến da kém săn chắc, giảm khả năng giữ nước và dễ gặp phải các vấn đề như nếp nhăn, vết chân chim, nám.
+ Một số vấn đề hoặc loại bệnh có thể gặp phải: Bao gồm viêm da cơ địa, vẩy nến, vẩy cá, do bộ gen quy định gây thiếu hụt sự tổng hợp của một số chất.
Ngoài ra, những thông tin di truyền còn có thể ảnh hưởng tới khả năng mắc một số bệnh như tiểu đường, suy thận, từ đó cũng ảnh hưởng tới tình trạng da của bạn.
Nhìn chung những đặc điểm này khó có thể thay đổi, tuy nhiên bằng cách xác định loại da của mình, hoặc lưu ý về những vấn đề mà bạn có thể gặp phải để có cách chăm sóc phù hợp bạn vẫn hoàn toàn có thể sở hữu làn da khỏe mạnh, mịn màng và đầy sức sống.
- Hệ nội tiết và Hormone trong cơ thể
Hệ thống nội tiết với sản phẩm là những hormone – nội tiết tố ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của da, đặc biệt là sức đề kháng của làn da cũng như hoạt động của các tuyến bài tiết. Cụ thể:
Lượng hormone tăng cao trong tuổi dậy kiến lượng bài tiết tăng cao, tình trạng mụn bùng phát.
Sự tăng – giảm – rối loạn hormone trong quá trình mang thai và sau sinh cũng khiến cho hoạt động bài tiết của da thay đổi, gây mụn.
Nồng độ hormone Estrogen giảm trong quá trình lão hóa sinh học ở phụ nữ khiến cho mức độ cân bằng độ ẩm của da giảm dõ rệt làm cho cấu trúc da thay đổi theo, khiến da khô, dễ kích ứng và dễ nổi mụn hơn, nếp nhăn, vết chân chim cũng nhanh chóng hình thành.
Với yếu tố này, hiện nay với sự phát triển của dược mỹ phẩm, bạn hoàn toàn có thể thăm khám và bổ sung nội tiết tố theo hướng dẫn của y bác sỹ.
Yếu tố bên ngoài (Ngoại sinh)

Làn da là bộ phận tiếp xúc với môi trường bên ngoài, bởi vậy hầu hết các tác nhân này đều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của da.
- Khí hậu: Bao gồm nhiệt độ, độ ẩm không khí, bức xạ mặt trời
+ Bức xạ mặt trời:
Tia UVB có tác dụng lên lớp biểu bì của da, sinh ra các gốc tự do, và tăng sinh melanin.
Tia UVA có thể xâm nhập vào lớp trung bì của da, sinh ra gốc tự do, làm đứt gãy các liên kết collagen và Elastin.
Bởi vậy, việc tiếp xúc với UVA, UVB trong thời gian ngắn có thể giúp tăng sức đề kháng của da, nhưng trong thời gian dài hệ thống này sẽ yếu đi, nhạy cảm, gây ra những vấn đề nan giải bao gồm: Nám, Sạm, và những tổn thương mãn tính là lão hóa sớm.
+ Nhiệt độ và độ ẩm
Bạn đã bao giờ tự hỏi, vì sao những người phụ nữ ở các nước ôn đới thường có làn da thường hoặc da khô, trong khi đó các nước nhiệt đới lại là da dầu? Đây chính là kết quả của sự ảnh hưởng bởi yếu tố nhiệt độ lên da suốt hàng vạn năm qua.
Bởi một trong những chức năng quan trọng của da chính là điều hòa nhiệt độ của cơ thể, nên với thời tiết nóng ẩm (ở nước nhiệt đới hoặc xông hơi), lỗ chân lông sẽ mở ra, tiết ra nhiều mồ hôi và bã nhờn hơn, khiến da bóng dầu và dễ nổi mụn.
Ngược lại ở những vùng khí hậu lạnh (ở các nước ôn đới, hàn đới, hoặc khi ngồi điều hòa) da sẽ phản ứng bằng cách co mạch máu lại, khiến lỗ chân lông co lại, giảm tiết mồ hôi và bã nhờn, khiến da bị khô hơn.
Ngoài ra, một số loại bệnh ngoài da như trứng cá đỏ cũng thường xảy ra ở những vùng có nhiệt độ cao hơn.
Cũng bởi yếu tố này, nếu không muốn làn da của mình bị ảnh hưởng, hãy sử dụng nước ấm nhẹ nhàng để rửa mặt thay vì nước nóng già.
- Yếu tố môi trường
Bụi bẩn, những hóa chất ô nhiễm trong không khí ảnh hưởng đến da mỗi ngày. Những loại bụi thông thường có thể gây bít tắc lỗ chân lông từ đó gây ra mụn.
Ngược lại những loại bụi siêu mịn có thể xâm nhập vào tận trong lớp trung bì, thậm chí là hạ bì, có thể ảnh hưởng tới cấu trúc liên kết của các tế bào, đứt gãy collagen và elastin, gây ra hiện tượng lão hóa sớm.
Ngoài ra, nếu bạn làm việc trong những môi trường độc hại, thường xuyên phải tiếp xúc với các loại hóa chất, ô nhiễm như nhuộm tóc, sản xuất sơn.. thì cần đặc biệt lưu ý tới việc bảo vệ và chăm sóc tốt cho làn da của mình.
- Chế độ chăm sóc da
Với sự phát triển của ngành dược mỹ phẩm, với hàng nghìn thương hiệu, sản phẩm bạn hoàn toàn có thể tìm được sản phẩm phù hợp với bản thân mình.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong muốn, trước hết bạn cũng cần phải trang bị những kiến thức cơ bản, từ đó hiểu được quy trình chăm sóc cũng như các sản phẩm với thành phần phù hợp.
Về các sản phẩm, bạn cũng cần đánh giá và hiểu được những thành phần gây kích ứng hoặc thành phần có độ pH >7, có tính kiềm làm ảnh hưởng tới lớp màng acid bảo vệ da, ảnh hưởng sâu tới cấu trúc bên trong da.
Hoặc trong một số thành phần khi kết hợp với nhau có thể gây ra kích ứng, như Retinol và các loại AHA, BHA, đây là điều mà bạn cần tìm hiểu và lưu ý.
- Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt

Sức khỏe của làn da là một trong những thước đo quan trọng của sức khỏe, bởi vậy, muốn sạch mụn, mịn màng, bên cạnh việc sử dụng mỹ phẩm, bạn cần đặc biệt lưu ý tới vấn đề chăm sóc và nuôi dưỡng da từ bên trong.
Về chế độ dinh dưỡng, một chế độ ăn lành mạnh với đầy đủ vitamin, axit amin, khoáng chất từ trái cây, rau, củ cùng protein (cá tốt hơn thịt) sẽ là lựa chọn rất tốt cho làn da.
Ngược lại, việc tiêu thụ quá nhiều tinh bột, đường, dầu mỡ và những chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá sẽ khiến da bạn nhanh chóng bị xỉn màu, sần sùi, lão hóa và mụn.
Và đừng quên, uống đủ nước mỗi ngày để cơ thể và làn da luôn căng tràn sức sống nhé.
Còn về chế độ sinh hoạt, ngủ đủ giấc, thường xuyên tập thể thao, suy nghĩ tích cực sẽ có ảnh hưởng rất tích cực tới hệ thống nội tiết, trao đổi chất cũng như hoạt động thải độc của gan, thận, từ đó giúp da luôn trong trạng thái ổn định.
Ngược lại, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc thức khuya, stress và mức độ thừa cân đến tốc độ lão hóa của da, cơ thể nhanh hơn cũng như tình trạng mụn.
“Nhất dáng nhì da” hi vọng rằng, với những thông tin về cấu trúc, chức năng cũng như những yếu tố ảnh hưởng tới làn da mỗi bạn gái có thể hiểu hơn về cơ quan quan trọng này, từ đó những vấn đề như quy trình chăm sóc, trị nám, trị mụn cũng không còn là vấn đề nữa!
Còn rất nhiều thông tin bổ ích khác về kiến thức làm đẹp – thời trang và sức khỏe sẽ tiếp tục chia sẻ tại Hello!Pháiđẹp, cùng tiếp tục đồng hành nhé! Nếu cảm thấy bài viết hữu ích và cần thêm, đừng quên chia sẻ để lưu giữ và lan tỏa kiến thức tới người thân và bạn bè nhé!