Qua lịch sử hàng trăm năm phát triển, chất bảo quản một phần không thể thiếu và nhận được sự quan tâm nhiều nhất từ các tổ chức, nhà nghiên cứu trên khắp thế giới, rất nhiều chất đã ra đời, đã biến mất, có những chất vẫn luôn được sử dụng thường xuyên
Hãy cùng Hello!Pháiđẹp điểm qua danh sách chất bảo quản, nguồn gốc cũng như những đánh giá về hiệu quả và mức độ an toàn của nó để hiểu hơn về chính những dòng mỹ phẩm mà bạn đang sử dụng nhé.
Sự cần thiết của chất bảo quản trong mỹ phẩm

Nước là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, nấm men, nấm mốc phát triển, bởi vậy bất cứ sản phẩm mỹ phẩm nào chứa nước (sữa rửa mặt, toner, nước tẩy trang, kem dưỡng da, kem đặc trị), khi những vi sinh vật này xâm phạm chúng sẽ gây ra những phản ứng làm hỏng các thành phần của sản phẩm, khiến sản phẩm mất đi tác dụng, biến chất thậm chí còn nhiễm mầm bệnh gây nguy hiểm cho sức khỏe và cả tính mạng khi sử dụng.
Ngoài ra, thì một lượng lớn các chất hữu cơ, proten, acid amin có trong những thành phần khác như dầu thực vật, chiết xuất thảo dược cũng là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho vi khuẩn, nấm mốc, đồng thời cũng dễ bị oxy hóa bởi môi trường, khiến chúng bị hỏng.
Trong khi đó, việc loại bỏ hoàn toàn các vi sinh vật này ra khỏi sản phẩm theo các phương pháp thông thường là bất khả thi vì chúng có mặt trong hầu khắp các thành phần tự nhiên. Bởi vậy, phương pháp hiệu quả nhất chính là sử dụng chất bảo quản.
Chất bảo quản là những thành phần có khả năng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của các loại vi sinh vật, nấm men, nấm mốc, ngăn cản những phản ứng của chúng với ác thành phần của sản phẩm. Hiện nay có 2 nhóm chất bảo quản được sử dụng đó là các chất tổng hợp và chất tự nhiên hay gần với tự nhiên.
Những chất bảo quản tổng hợp thường dùng trong mỹ phẩm
Parabens
Một trong những chất bảo quản được sử dụng phổ biến, lâu đời, hiệu quả bảo quản cao và giá thành rẻ nhất, nhưng đây cũng là thành phần gây tranh cãi nhất trong các sản phẩm mỹ phẩm.
Thực ra, Paraben là một chất có nguồn gốc tự nhiên, là kết quả của phản ứng ester hóa của acid p-hydroxy-benzoic, chất được tìm thấy trong các loại rau, củ, hoa quả như cà rốt, quả họ dâu raspberry, blackberry hay blueberry… và parabens cũng hình thành tự nhiên trong cơ thể của con người do sự phân hủy acid amin.
Trong suốt những năm qua rất nhiều nghiên cứu về tác hại của parabens đã được thực hiện trên khắp thế giới, trong đó có những nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng parabens liều cao và nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ, suy giảm khả năng sinh lý và chất lượng tinh trùng ở nam giới cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của phôi thai( thực hiện trên chuột).
Tuy nhiên những nghiên cứu khác lại khẳng định parabens với tỷ lệ thấp trong mỹ phẩm không mang đến những ảnh hưởng kia.
Hiện này, có 9 loại paraben được sử dụng bao gồm methylparaben, ethylparaben, butylparaben, isobutylparaben, propylparaben, isopropylparaben, phenylparaben, pentylparaben và benzylparaben.
Tuy nhiên do lo lắng về sự tích lũy parabens trong cơ thể sau nhiều năm, một số quốc gia đã cấm đối với 5 hoạt chất isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben, bao gồm các nước Châu Âu, các nước Asean trong đó có Việt Nam.
>> Xem thêm: Paraben trong mỹ phẩm là gì? Có thực sự nguy hại như bạn vẫn nghĩ
Formaldehyde
Formaldehyde là một chất bảo quản phổ rộng, giá rẻ, được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận sử dụng làm phụ gia thực phẩm gián tiếp trong một số nguyên liệu có tiếp xúc với thực phẩm, được sử dụng trong các sản phẩm làm cứng móng tay.
Hội đồng chuyên gia đánh giá thành phần mỹ phẩm (CIR) đã đánh giá dữ liệu khoa học và kết luận rằng Formaldehyde trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân là an toàn cho đại đa số người tiêu dùng.
Tại Châu Âu nồng độ Formaldehyde sử dụng tối đa 0.2% với các sản phẩm làm đẹp, đa 0,1% trong các sản phẩm vệ sinh răng miệng , 5% với các sản phẩm làm cứng móng tay và không được phép sử dụng trong các sản phẩm bình xịt (Phụ lục VI) và các bình pha chế khí dung. Tất cả những sản phẩm có nồng độ Formaldehyde vượt quá giá trị 0,05% đều cần dán nhãn cảnh báo “có chứa Formaldehyde”.
Tại Canada, Formaldehyde được sử dụng trong các loại mỹ phẩm non-aerosol ở nồng độ dưới 0,2%, sản phẩm chăm sóc răng miệng ở nồng độ từ 0,1% trở xuống, và làm móng nồng độ tối đa 5%.
Còn tại Nhật Bản Formaldehyde bị cấm.
Natri Hydroxy Methyl Glycinate là một chất bảo quản có nguồn gốc từ formaldehyde, nó được tổng hợp bằng cách cho glycine phản ứng với natri hydroxit và sau đó với formaldehyde, khi thêm vào mỹ phẩm sẽ giải phóng formaldehyde.
Triclosan
Một thành phần khá phổ biến trong kem đánh răng, xà phòng kháng khuẩn, chất khử mùi và mỹ phẩm có tên đầy đủ là TriChloro Hydroxy Diphenyl Ether, chất này có tác dụng kháng khuẩn phổ rộng và thường được dùng với chức năng này hơn là bảo quản.
Hiện đã có một số nghiên cứu trên động vật ngắn hạn đã chỉ ra việc tiếp xúc với triclosan liều cao có liên quan đến việc giảm nồng độ của một số loại hormone tuyến giáp.
Trong khi đó một số nghiên cứu khác lại nói rằng việc sử dụng triclosan thường xuyên làm cho vi khuẩn kháng kháng sinh xuất hiện ngày càng nhiều.
Tuy nhiên vẫn chưa có cơ sở chính xác để khẳng định ảnh hưởng của thành phần này, nên Triclosan vẫn được sử dụng và mức độ an toàn của nó đang được FDA xem xét.
Methylisothiazolinone/ Methylchloroisothiazolinone
Methylisothiazolinone (MI) và Methylchloroisothiazolinone (MCI) là hai chất bảo quản được sử dụng trong các loại mỹ phẩm gốc nước và các sản phẩm chăm sóc cá nhân với hoạt tính chống vi khuẩn, nấm men và nấm. Trong sản phẩm MI và MCI thường được sử dụng chung như một hỗn hợp
Về tính chất MCI là một chất có khả năng gây dị ứng, ở nồng độ cao MCI có thể gây bỏng và kích ứng trên da. Bạn có thể thấy MCI dưới một số tên thành phần như sau
Theo FDA, MCI là một chất gây dị ứng. Ở nồng độ cao, MCI có thể gây bỏng, gây kích ứng da. Để biết sản phẩm có chứa MCI, MI hay không, mẹ có tìm trên nhãn sản phẩm những tên sau:
5-chloro-2-methyl-4-isothiazolin-3-one
5-chloro-2-methyl-4-isothiazolin-3-one hydrochloride
5-chloro-2-methylisothiazolin-3-one
5-chloro-N-methylisothiazolone
Kathon CG 5243
methylchloro-isothiazolinone
methylchloroisothiazolinone
Phenoxyethanol
Phenoxyethanol là một chất bảo quản có tác dụng mạnh nhất trong việc chống lại vi khuẩn, kể cả gram âm và gram dương, nhưng lại yếu với nấm men và nấm mốc, bị bất hoạt bởi các hợp chất ethoxylated cao trong phạm vi pH từ 3 đến 10, bởi vậy thường cần sử dụng kết hợp với các chất khác. Uỷ ban khoa học về an toàn tiêu dùng SCCS khuyến nghị nồng độ an toàn để sử dụng cho sản phẩm mỹ phẩm cho người lớn và trẻ em dưới 3 tuổi là tối đa 1%.
Tuy nhiên, báo cáo năm 2012 của Cơ quan An toàn Thuốc và Sản phẩm Y tế Quốc gia Pháp cho rằng nồng độ của Phenoxyethanol cần thấp hơn so với trẻ dưới 3 tuổi.
Alcohol và Glycols

Cồn khô là chất bảo quản vì có tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn kha mạnh, dưới đây là một số thành phần nổi bật
Ethanol
Ethanol với nồng độ 20% trong mỹ phẩm sẽ có vai trò như chất bảo quản, tuy nhiên cồn khô thường bay hơi nhanh khiến da mất nước nên thường không sử dụng nồng độ cao như vậy.
Còn trong các sản phẩm khử trùng như gel rửa tay hoặc trong thuốc xịt để vệ sinh thiết bị sản xuất ethanol thường được sử dụng với nồng độ cao lên tới độ 65-75%.
Benzyl alcohol
Benzyl alcohol có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn mà không phá hủy nó, bởi vậy đây được xem là một chất bảo quản tương đối an toàn và hiệu quả, không gây độc cho da, không gây kích ứng da.
Tại Châu Âu, Benzyl alcohol được phép sử dụng ở mức 1% khi làm chất bảo quản và 0,001% và 0,01% khi sử dụng làm hương liệu trong các sản phẩm tẩy trang và làm sạch, giới hạn tại Mỹ là 5%.
2,4-Dichlorobenzyl alcohol (DCBA)
Là chất bảo quản chống nấm phổ rộng được phép sử dụng trong các loại mỹ phẩm và trong cả các loại viên ngậm trị viêm họng.
Glycol
Propylene glycol và Propanediol là những thành phần quen thuộc với tác dụng là chất bảo quản, chất làm ẩm, làm mềm và tạo cấu trúc.
Thành phần này không chỉ bắt gặp trong các sản phẩm mỹ phẩm mà còn là những sản phẩm thực phẩm và dược phẩm.
1,2 Alkane Diols
Các chất bào gồm 1,2-Hexanediol, Caprylyl Glycol, EthylHexyl Glycerin được chiết xuất từ ngũ cốc, thực vật hoặc tổng hợp, có tác dụng giảm liên kết trên thành tế bào của các loại vi sinh vật, khiến chúng bị phá hủy nhanh hơn, thường được kết hợp với các chất bảo quản khác.
1,3-Propanediol có nguồn gốc từ dầu ngô lên men, thường được kết hợp với phenoxyethanol làm tăng hiệu quả bảo quản đối với gram dương và gram âm, vi khuẩn âm tính và nấm men và nấm mốc. Chúng được sử dụng ở mức 1 – 10%.
>> Xem thêm: Alcohol trong mỹ phẩm là gì? Có thật xấu như lời đồn?
Acid hữu cơ
Benzoic Acid
Một trong những chất bảo quản thực phẩm phổ biến và được xem là an toàn trên thế giới, có tác dụng chống nấm và vi khuẩn gram dương, thành phần dễ thấy nhất chính là Natri Benzoate.
Tác dụng bảo quản của Benzoic Acid phụ thuộc rất nhiều vào độ pH, tốt nhất lên ở mức dưới 5.0, hoạt động mạnh nhất ở độ pH 3(94%), chỉ một số ít hoạt động ở pH lên đến 6 (khoảng 1,55%)
Sorbic Acid
Chất bảo quản được sử dụng trong thực phẩm, mỹ phẩm, có tác dụng với nấm mốc và nấm men, nhưng không có tác dụng với vi khuẩn. Độ pH tối ưu cho Sorbic Acid hoạt động là dưới 6,5, tốt nhất là dưới 5,5, và thường được sử dụng ở nồng độ 0,025% đến 0,10%. Các muối Sorbic Acid, thường là kali sorbate có độ hòa tan tốt hơn trong nước, nên cho hiệu quả kháng khuẩn tốt hơn.
Sorbic Acid an toàn và được sử dụng trong các loại thực phẩm và mỹ phẩm.
EDTA – Ethylene diaminete traacetic Acid
EDTA là một axit aminopolycarboxylic tồn tại ở dạng chất rắn không màu, có chức năng kháng khuẩn, giúp bảo quản sản phẩm lâu dài, tăng cường tác dụng chống oxy hóa của các chất chống oxy hóa tự nhiên như vitamin C, vitamin E.
Ngoài ra EDTA còn khả năng cô lập các ion kim loại nặng, giúp sản phẩm không bị tác động bởi các phản ứng hóa học giữa kim loại và các hợp chất khác, tạo sự ổn định cho sản phẩm.
Sodium Phytate
Sodium phytate có nguồn gốc tự nhiên: từ cám lúa mì hoặc gạo có tác dụng loại bỏ các kim loại, ngăn cho kim loại không làm vô hiệu hoá chất bảo quản. Ngoài ra nó có
Thành phần này có thể tìm thấy trong nhiều sản phẩm xà phòng, dầu gội, dầu dưỡng, chúng không gây kích ứng và mẫn cảm với da.
Những chất bảo quản tự nhiên

Bên cạnh những thành phần bảo quản hóa học, rất nhiều thành phần những thành phần tự nhiên cũng có tác dụng bảo quản, có thể là chống nấm, kháng khuẩn, diệt khuẩn hoặc ngăn chặn sự biến chất của các thành dưới ảnh hưởng bởi phản ứng oxy hóa từ môi trường.
Dầu Neem: Chiết xuất dầu neem có tác dụng kháng khuẩn, diệt khuẩn và chống nấm mốc.
Muối ăn (sodium chloride): Thường được dùng để ướp thực phẩm tạo môi trường khắc nghiệt với áp suất thẩm thấu cao từ đó, có tác dụng ức chế các vi khuẩn, nấm men, nấm mốc ngăn cản sự hư hỏng.
Đường (carbohydrate): được sử dụng như một chất bảo quản tự nhiên, thường dùng trong bảo quản thực phẩm, ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn.
Mật ong: Có chứa các thành phần chống khuẩn, đồng thời ức chế sự phát triển của vi khuẩn do có độ pH thấp, môi trường ẩm thấp.
Tinh dầu trà xanh: Có tác dụng kháng khuẩn, chống khuẩn tự nhiên, tăng tuổi thọ của hỗn hợp.
Tinh dầu tràm trà sát khuẩn: Với thành phần chống khuẩn mạnh mẽ, đây được xem là thành phần có khả năng tiêu diệt vi khuẩn mạnh mẽ, được dùng trong rất nhiều các sản phẩm trị mụn.
Tinh dầu hạt bưởi: Một kháng sinh tự nhiên hiệu quả, có thể chống lại một lượng lớn chủng virus, vi khẩn, nấm, và các sinh vật đơn bào, đa bào trên da.
Rosemary Extract – Dầu Hương Thảo: Có tác dụng chống oxy hóa, kéo dài tuổi thọ của các loại dầu, sáp và bơ thực vật, chống ôi.
Citric Acid: Là thành phần phong phú tự nhiên trong trái cây họ cam quýt và quả mọng, nó có tác dụng chống oxy hóa.
Alpha-tocopheryl (còn được gọi là vitamin E): Là chất chống oxy hóa mạnh, chống lại quá trình oxy hóa, chống ôi thiu.
Tuy nhiên, đặc điểm của các hoạt chất có tác dụng kháng khuẩn kháng nấm tự nhiên là cần dùng với nồng độ rất cao, với nồng độ thấp gần như không có hiệu quả.
Còn những tinh chất có khả năng chống oxy hóa chỉ có thể kéo dài tuổi thọ của các loại dầu, sáp và bơ thực vật, chống ôi, nhưng không có tác dụng chống nấm mốc.
Kết luận:
Mặc dù đa số những thành phần bảo quản cho mỹ phẩm đều có những tác dụng phụ cho cơ thể, tuy nhiên nó vẫn luôn là thành phần gần như không thể thiếu và không thể thay thế, nhất là những sản phẩm có gốc nước, môi trường nước.
Kể cả những sản phẩm nền dầu với lượng dưỡng chất, thành phần lớn dễ bị oxy hóa cũng không thể thiếu những chất này.
Hi vọng rằng qua bài viết, mỗi khi đọc thành phần của bất cứ loại mỹ phẩm nào bạn cũng sẽ hiểu được sản phẩm đó đang sử dụng chất bảo quản nào, có an toàn có thật sự an toàn với làn da của mình hay không.
Còn rất nhiều
kiến thức về mỹ phẩm làm đẹp da – dưỡng ẩm- trị mụn và nám sẽ tiếp tục được đăng tải tại Hello!Pháiđẹp, cùng tiếp tục đồng hành nhé!
Và đừng quên chia sẻ để cùng lan tỏa kiến thức cần thiết cho mọi người nhé!