Qua rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học, Curcumin được biết đến như một hoạt chất có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm và mở ra nhiều con đường trong điều trị trị ung thư, bệnh tim mạch cũng như làm đẹp da khác nhau.
Vậy Curcumin là gì? Hãy cùng Hello!Pháiđẹp tìm hiểu chi tiết về “thần dược” đến từ phương Đông này nhé!
Curcumin là gì?

Curcuminoid là một sắc tố thực vật tự nhiên, giúp tạo ra màu vàng đồng thời mang đến rất nhiều tác động tích cực đến sức khỏe và làm đẹp của củ nghệ, trong đó Curcuminoid gồm 3 dạng chính là Curcumin, Bisdemethoxycurcumin, Demethoxycurcumin, và Curcumin chính là hoạt chất có hiệu quả nhất.
Thực tế Nghệ đã được sử dụng rất nhiều ở những nước Châu Á như Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ hàng nghìn năm qua, với vai trò là gia vị trong các món ăn hoặc là vị thuốc trong điều trị tình trạng viêm như gan, đau dạ dày hoặc viêm kết mạc.
Không những vậy, nghệ còn là một trong những loại mỹ phẩm tự nhiên được đặc biệt yêu thích ở những quốc gia này với khả năng giảm tình trạng mụn sưng viêm, dưỡng trắng da và đẩy lùi thâm nám hiệu quả.
Tất cả những điều đó chính là nhờ thành phần Curcumin, tuy nhiên thực tế thì trong nghệ hàm lượng curcumin rất thấp, chỉ khoảng 1-2%, còn lại tới 98% là tinh dầu, acid, nhựa và các tạp chất lẫn lộn khác. Với tinh bột nghệ được bỏ xơ, phần nước lọc đã để lắng rồi mới đem đi phơi khô, sấy khô thì cũng chỉ chứa được 3% hoạt chất Curcumin.
Bởi vậy nếu sử dụng ở dạng thô, bạn cần rất nhiều nghệ, tuy nhiên vì đây là một hoạt chất được đầu tư nghiên cứu rất nhiều nên hiện nay việc chiết tách curcumin thậm chí là nano curcumin đều đã thực hiện được và áp dụng trong công nghệ sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng cũng như mỹ phẩm.
Tác dụng của Curcumin
Tác dụng của Curcumin với sức khỏe
Chống oxy hóa, ngăn ngừa quá trình lão hóa của cơ thể
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Curcumin có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ nhất trong tự nhiên, loại bỏ các gốc tự do và quá trình viêm dựa vào các cơ chế.
Kích thích sản sinh các protein hoạt hóa apoptotic.
Giảm các chất chống apoptotic (BCL-2 và BCL-XL)
Giảm sự biểu hiện của các cytokine tiền viêm, các yếu tố hoại tử
Thiết lập lại cân bằng oxy hoá thông qua việc phục hồi cơ chế sinh học tự chống oxy hóa như kích thích các enzyme chống oxy hóa và hoạt hóa Nrf2-HO-1.
Bằng các tác dụng nổi bật đó, Curcumin không chỉ được phát triển trong các sản phẩm chống viêm mãn tính mà còn được xem là một trong những thành phần giúp trẻ hóa và bảo vệ sức khỏe đặc biệt hiệu quả và có thể sử dụng lâu dài mà không lo lắng về những tác dụng phụ.
Tăng cường chức năng thải độc
Theo một nghiên cứu khoa học của Mexico, Curcumn có khả năng bảo vệ gan, giúp tăng cường chức năng chuyển hóa và thải độc, hỗ trợ cho quá trình đào thải độc tố trong cơ thể.
Một nghiên cứu khác trên động vật được công bố trên tạp trí tạp chí Applied Toxicology còn cho thấy Curcumin có khả năng bảo vệ chuột, chống lại các tác hại của thủy ngân.
Còn nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thực phẩm và Dinh dưỡng Quốc gia ở Ấn Độ chỉ ra Curcumin có thể tăng mức enzyme cụ thể liên quan đến giải độc để ngăn chặn sự tích tụ của độc tố và các hợp chất gây ung thư.
Tuy nhiên có một lưu ý là bạn không thể dùng nghệ tươi để giảm các triệu chứng nóng trong, bởi nghệ tươi chứa nhiều dầu nghệ, có tính nóng, thay vào đó hãy dùng trong các món ăn hoặc tinh bột nghệ đã loại bỏ dầu.
Ngăn ngừa ung thư
Trạng thái mất cân bằng oxy hóa kéo dài là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh mãn tính, trong đó có ung thư.
Với vai trò là chất chống oxy hóa mạnh mẽ nhất trong tự nhiên, Curcumin đang là hoạt chất được rất nhiều nhà nghiên cứu thuốc quan tâm với hi vọng tìm ra một phương pháp mới để ngăn ngừa và điều trị ung thư.
Không chỉ có vậy, nhiều nghiên cứu đã cho thấy Curcumin còn có khả năng ngăn chặn tín hiệu và ức chế sự phân chia tế bào cùng các yếu tố tăng trưởng có liên quan trực tiếp đến sự phát triển ung thư.
Ngoài ra, trong suốt quá trình của bệnh ung thư, một loạt các chất oxy hóa sẽ được sinh ra, gây ra các vấn đề về tim mạch và thần kinh cho người bệnh, việc sử dụng Curcumin sẽ ngăn chặn hiệu quả vấn đề này.
Giảm viêm – Kháng khuẩn mãn tính
Viêm là một phản ứng miễn dịch thông thường của cơ thể, giúp chống lại bệnh tật và tình trạng nhiễm trùng, tuy nhiên viêm mãn tính nhất là ở những bệnh đặc biệt như ung thư, bệnh tim, tiểu đường thì lại là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới khả năng hoạt động bình thường của các cơ quan và cơ thể.
Để giảm tình trạng này, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc, tuy nhiên nếu sử dụng lâu dài cơ thể sẽ rất dễ bị kháng thuốc, đồng thời ảnh hưởng tới chức năng gan, thận. Lúc này, các hoạt chất tự nhiên có tính kháng viêm và chống oxy hóa tự nhiên là lựa chọn thích hợp hơn, và Curcumin chính là thành phần nổi bật nhất trong số đó.
Một nghiên cứu trên người được công bố bởi Oncogene cho thấy, Curcumin là nằm trong nhóm chất kháng viêm, khử trùng mạnh nhất, tương đương với esveratrol, celecoxib và tamoxifen, mạnh hơn so với aspirin và ibuprofen, lại không gây ra các tác dụng phụ
Cụ thể, Curcumin có khả năng giảm viêm bằng cách năng chặn hoạt động của một số enzyme tham gia vào quá trình gây viêm. Điều này có ý nghĩa quan trọng, mở ra một phương pháp điều trị mới cho tình trạng viêm mãn tính. Điển hình là một số vấn đề dưới đây:
Điều trị đau dạ dày
Curcumin có khả năng ức chế và tiêu diệt tới 65 chủng vi khuẩn đường ruột Hp (Helicobacter Pylori), đồng thời tăng tiết dịch nhầy mucin để bảo vệ niêm mạc, cải thiện chức năng của hệ tiêu hóa.
Một tác dụng khác của Curcumin là tăng cường tái tạo tế bào giúp phục hồi niêm mạc và se những vết loét, ngăn ngừa cơn đau dạ dày trong tương lai.
Điều trị viêm khớp
Theo các nghiên cứu thì Curcumin có hoạt tính chống Histamine nên góp phần điều trị viêm khớp hiệu quả không kém Cortison, đòng thời làm giảm triệu trứng viêm da khớp thấp, và hạn chế tình trạng kháng thuốc.
Điểu trị viêm kết mạc
Curcumin có khả năng kháng khuẩn với trực khuẩn E.coli, Klebsiella, Staphylococcus aureus và Pseudomonas, có tác dụng điều trị viêm kết mạc với hiệu quả cao.
Điều chỉnh lượng đường trong máu
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp trí quốc tế về chuyển hóa nội tiết, curcumin có khả năng làm giảm sản xuất glucose, kích thích hấp thụ Glucose, và tăng tiết isulin từ tuyến tụy từ đó duy trì lượng đường trong máu ở mức bình thường.
Một nghiên cứu khác đăng trên Tạp chí sinh hóa học của ấn độ thì cho thấy khả năng kháng viêm của curcumin hỗ trợ rất tốt trong việc ngăn chặn biến chứng của tình trạng tăng đường huyết gây ra, giúp giảm đáng kể tình trạng tiến triển từ tiền tiểu đường thành mắc bệnh tiểu đường.
Cân bằng cholesterol, ngừa cục máu đông, tăng sức khỏe tim mạch
Đây là 2 nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, suy giảm chức năng tim, nhồi máu cơ tim.
Theo đó, năm 2008 các nhà khoa học thuộc Đại học Indonesia đã thực hiện một nghiên cứu và thấy rằng curcumin làm giảm nồng độ cholesterol toàn phần và cholesterol LDL ở bệnh nhân có hội chứng mạch vành cấp tính.
Tương tự một nghiên cứu khác từ Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Amala ở Ấn Độ kết luận rằng 500 mg chất curcumin làm tăng cholesterol HDL có lợi và giảm cholesterol có hại trên 10 tình nguyện viên khỏe mạnh
Về khả năng ngăn chặn các cục máu đông, Nghiên cứu của Khoa Y học Môi trường của Đại học Odense ở Đan Mạch cho thấy curcumin có thể ảnh hưởng đến sự tổng hợp thromboxanes làm thay đổi sinh tổng hợp eicosanoid, một loại eicosanoid đóng vai trò trung tâm trong sự hình thành cục máu đông.
Tác dụng của Curcumin trong làm đẹp da

Ngăn ngừa lão hóa da
Lão hóa da là một quá trình liên tục với nhiều vấn đề bao gồm sự đứt gãy và giảm sinh sản của lượng collagen và elastin dưới da, và những lỗi ngẫu nhiên trong quá trình sao chép DNA khi tái tạo da dẫn đến sự tích tụ các tế nào cũ và các mô bị hỏng, đây là hậu quả của sự gia tăng các gốc tự do trong cơ thể.
Với khả năng chống oxy hóa cao việc bổ sung Curcumin thông qua các thực phẩm chức năng hay các dạng mỹ phẩm bôi ngoài da đều có tác dụng tích cực lên da, chống lại sự xuất hiện của các gốc tự do, Không chỉ có vậy, Curcumin còn có tác dụng đặc biệt trong việc ức chế metalloproteinase-2 (MMP-2) – một loại enzyme làm giảm collagen giữa lớp ngoài và lớp giữa của da, từ đó hạn chế tình trạng thiếu collagen ở lớp bì, giữ da luôn tươi trẻ, ngăn chặn hiệu quả các vấn đề như nếp nhăn, vết chân chim và nám.
Bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV.
Một nghiên cứu trên chuột đã cho thấy rằng, curcumin có thể bảo vệ làn da trước tác hại của tia cực tím trong dài hạn, thật quá tuyệt vời phải không.
Giải thích cho điều này chính là khả năng ức chế metalloproteinase-2 (MMP-2) vừa nêu trên.
Ngăn ngừa và điều trị mụn trứng cá
Mụn trứng cá là kết quả của vi khuẩn, bụi bẩn và bã nhờn, với khả năng chống viêm, tiêu diệt vi khuẩn mạnh mẽ, thật dễ hiểu khi curcumin là thành phần quan trọng trong các sản phẩm trị mụn.
Không những vậy, với khả năng tăng cường thải độc, curcumin còn giúp bạn hạn chế các loại mụn gây ra do nóng trong, suy giảm chức năng gan.
Tái tạo da, ngăn ngừa sẹo.
Bằng khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, kháng khuẩn, sưng viêm, curcumin sẽ bảo vệ vùng da đang bị trầy xước, những vết mụn vừa nặn hay vết côn trùng cắn khỏi tình trạng viêm nhiễm, từ đó giúp da nhanh lành hơn và ngăn chặn tình trạng sẹo.
Giảm thâm, sạm, nám, dưỡng trắng da
Đây có lẽ là tác dụng làm đẹp da nổi bật nhất mà bạn có thể thấy được bằng mắt thường chỉ sau một thời gian ngắn khi sử dụng.
Theo đó Curcumin có khả năng ức chế quá trình sản sinh Melanin, đồng thời giảm viêm, từ đó ngăn chặn tình trạng tăng sắc tố sau viêm, từ đó giảm tình trạng thâm, sạm dưỡng da trắng mịn màng và khỏe mạnh hơn.
Cách bổ sung Curcumin hiệu quả

Tùy theo từng mục đích sử dụng mà bạn có thể sử dụng Curcumin theo những cách khác nhau:
- Bổ sung qua thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng: Giúp nâng cao sức khỏe của toàn bộ cơ thể, chống lại quá trình lão hóa sinh học, giảm nguy cơ mắc những căn bệnh nguy hiểm như ung thư hoặc để điều trị một số bệnh như đau dạ dày, viêm khớp, viêm giác mạc.
- Sử dụng bôi ngoài da: Trong quy trình làm đẹp da, chống lão hóa hoặc điều trị các vấn đề thâm, mụn, hoặc bệnh da liễu khác.
Để việc bổ sung Curcumin đạt hiệu quả cao, nhất là theo đường uống, bạn nên kết hợp với một số hoạt chất sau:
Chất béo: Vì Curcumin không tan trong nước, nên việc bổ sung curcumin cùng chế độ ăn nhiều dầu sẽ giúp chất này được hấp thụ tốt hơn.
Quercetin: là một loại flavonoid ức chế một số enzyme khử hoạt tính của curcumin, bởi vậy rất thường được kết hợp với Curcumin trong công thức mỹ phẩm hoặc thực phẩm chức năng.
Nếu sử dụng thực phẩm, bạn có thể tham khảo hành tây, trà xanh, táo và các loại quả mọng như nho, việt quất hoặc các loại rau diếp, cải xoăn cũng rất giàu Quercetin.
Tiêu đen: Piperin, hoạt chất chủ yếu trong tiêu đen có tác dụng tăng độ hấp thu của curcumin, do đó tăng cường tác dụng của curcumin trong việc chống ung thư, chống viêm nhiễm lên tới 20 lần.
Một số sản phẩm thực phẩm chức năng bổ sung Curcumin mà bạn có thể tham khảo bao gồm:
Viên uống bổ sung Nano Curcumin Học Viện Quân Y
Viên uống Turmeric Curcumin Puritan’s Pride
Lưu ý khi sử dụng Curcumin
- Dị ứng, kích ứng
Mặc dù rất tốt cho sức khỏe nhưng Curcumin là một chất có khả năng gây kích ứng da với tình trạng ban đỏ, ngứa, nặng hơn là đau rát và bong tróc. Khi gặp vấn đề này hãy giảm tần suất sử dung để da làm quen sau đó tăng dần.
Nếu tình trạng không thuyên giảm mà có xu hướng nặng hơn, rất có thể da bạn bị dị ứng với Curcumin, hãy ngưng sử dụng.
- Một số phản ứng hiếm gặp khác:
Hệ tiêu hóa: Buồn nôn, Tiêu chảy
Hệ tim mạch: Lượng đường trong máu thấp, Tăng nguy cơ chảy máu, giảm hấp thụ sắt gây thiếu máu Nếu bạn đang dùng thuốc trị tiểu đường hoặc thuốc làm loãng máu, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bổ sung curcumin để ngăn ngừa tương tác.
Phụ khoa: Tăng lưu lượng kinh nguyệt, Giảm khả năng sinh sản
- Thận trọng: Với phụ nữ mang thai không nên bổ sung curcumin vì hoạt chất này có thể kích thích các cơn co thắt tử cung, gây động thai.
Trên đây chính là những chia sẻ của Hello!Pháiđẹp về Curcumin cùng với một số lưu ý để việc sử dụng hiệu quả hơn, hi vọng đã mang đến cho bạn những thông tin thật sự bổ ích để nâng cao sức khỏe và sức đẹp.
Còn rất nhiều những kiến thức bổ ích khác về làm đẹp – thời trang và sức khỏe sẽ tiếp tục chia sẻ, cùng tiếp tục đồng hành nhé!
Và đừng quên share để lưu giữ và lan tỏa kiến thức hữu ích tới người thân và bạn bè nhé!