Để có được một làn da luôn sáng mịn, căng bóng khỏe mạnh, tránh xa những vấn đề như mụn, thâm, nám sạm thì tẩy tế bào chết, cấp nước và tăng cường khả năng tái tạo da là những việc bạn phải làm hàng ngày.
Và một thành phần có thể mang tới tất cả những tác dụng trên, chỉ có thể là Glycolic Acid, hôm nay hãy cùng Hello!PháiĐẹp tìm hiểu thật kỹ về “thần dược” không thể thiếu cho mọi loại da này nhé!
Glycolic Acid là gì? Tác dụng và ưu nhược điểm

Khái niệm
Glycolic Acid là một loại AHA (Alpha Hydroxy Acid) có nguồn gốc chủ yếu từ cây mía, ngoài ra là củ cải đường và dứa. Dưới đây là một số thông tin chính:
Tên: Glycolic Acid
Danh pháp: 2-Hydroxyethanoic acid
Công thức hóa học: C2H4O3
Khối lượng phân tử: 76,05 g/mol
Điểm nóng chảy: 75 °C
Độ tan: Tan tốt trong nước, Không tan trong dầu.
Đặc điểm quan trọng của Glycolic Acid là một acid nguồn gốc thực vật, tan trong nước, không tan trong dầu và có kích thước phân tử rất nhỏ, mang tới khả năng thẩm thấu tốt.
Glycolic Acid sẽ hoạt động tốt nhất ở độ pH từ 3-4
Vậy Glycolic có thể mang tới những tác dụng gì? Cùng tiếp tục nhé!
Tác dụng của Glycolic Acid
Tẩy tế bào chết
Để có một làn da luôn căng mịn, trẻ, khỏe mạnh và ít mụn thì tẩy tế bào chết là bước đầu tiên, giúp giảm bít tắc, tăng cường khả năng thẩm thấu và thúc đẩy sự sản sinh của tế bào da, và đây cũng là tác dụng đầu tiên cần nhắc đến khi nói về Glycolic Acid.
Bằng cách bẻ gãy các liên kết giữa tế bào chết, bao gồm hầu hết các liên kết yếu như liên kết hiđro, đến những liên kết mạnh như desmosome, liên kết peptide từ đó giúp những lớp tế bào này nhanh chóng bong ra khỏi bề mặt một cách nhanh chóng hơn.
So với các loại BHA như Salicylic Acid thì Glycolic Acid hoạt động bề mặt tốt hơn khá nhiều, nhưng lại không có khả năng thẩm thấu vào trong lỗ chân lông.
Điều mà rất nhiều người lo lắng là việc dùng Glycolic Acid có khiến da bạn bị mỏng đi hay không? Câu trả lời là không, ngược lại còn giúp lớp biểu bì của bạn dày lên.
Độ dày của lớp biểu bì là yếu tố quan trọng quyết định đến mức độ căng mịn cũng như khả năng chống trọi của da với các yếu tố bên ngoài, được cấu tạo bởi 5 lớp, trong đó lớp sừng ngoài cùng là mỏng nhất và được tạo ra bởi gầy 20 lớp tế bào chết.
Lớp tế bào chết này có nhiệm vụ là che chắn và tạo lớp màng bảo vệ cho da, nhưng việc tế bào chết quá dày sẽ khiến da xù xì, sạm đi, khó hấp thu dưỡng chất, và kìm hãm sự phát triển của lớp tế bào da mới ở phía dưới.
Khi sử dụng Glycolic Acid hay những chất tẩy tế bào chết khác, bạn chỉ có thể lấy đi 1-3 lớp tế bào chết phía trên mà thôi, không có tác dụng đến các lớp tế bào chết sâu trong da, lại càng không có tác dụng với các lớp sâu hơn, bởi vậy việc nói Glycolic Acid làm mỏng da là điều không thể.
Ngược lại sau khi lớp tế bào chết phía trên được loại bỏ, da sẽ mịn hơn, trắng hơn, quan trọng là hấp thu dưỡng chất tốt hơn, và các lớp tế bào phía dưới sẽ tái sinh nhanh hơn, giúp lớp biểu bì dày lên và da khỏe hơn.
Đến đây hi vọng bạn có thể an tâm tìm hiểu, lựa chọn và sử dụng những sản phẩm phù hợp cho tình trạng da của bạn nhé!
>> Xem thêm: Tẩy da chết hóa học là gì? Chọn đúng dùng chuẩn cho bạn
Glycolic Acid trị mụn
Bạn thường nghe nói về BHA trị mụn bởi khả năng thẩm thấu qua lớp dầu, đi sâu vào lỗ chân lông của nó, nhưng những thành phần AHA như Glycolic Acid cũng hoàn toàn có thể giúp bạn giảm mụn, chỉ là hơi khác một chút.
Vì AHA tan trong nước nên hoạt động trên bề mặt rất tốt, được đánh giá là vượt trội hơn BHA, bởi vậy mặc dù không trực tiếp đẩy mụn nhưng nó cũng giúp thúc đẩy nhanh quá trình mụn trồi lên bề mặt bằng cách thay nhanh lớp da trên bề mặt.
Bởi vậy, nếu gặp phải tình trạng mụn, bạn hoàn toàn có thể kết hợp giữa Glycolic Acid và BHA để mang đến hiệu quả nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, thâm, sẹo sau mụn luôn khiến bạn đau đầu thì Glycolic Acid cũng là một trợ thủ đắc lực.
>> Xem thêm: [Review] TOP 20 loại kem trị mụn hiệu quả tốt nhất hiện nay
Giảm thâm, sạm, nám

Với tác dụng loại bỏ tế bào chết vượt trội cùng kích thước đặc biệt nhỏ, thấm sâu Glycolic Acid được xem là một thành phần quan trọng trong việc trị thâm, nám, sạm.
Bằng cách loại bỏ những tế bào da chết chứa nhiều Melanin trên bề mặt, vùng da tối màu sẽ sáng hơn nên rõ rệt chỉ sau một thời gian dùng. Bởi vậy, muốn trắng da, muốn phục hồi da sau mùa hè, sau đi biển, hay giảm vết thâm do mụn thì những sản phẩm chứa Glycolic Acid chính là gợi ý tuyệt vời.
Tuy nhiên, Glycolic Acid có thể làm tăng mức độ nhạy cảm của da với ánh nắng, hãy luôn luôn sử dụng kem chống nắng sau khi dùng nếu không muốn sạm, nám trở lại.
Tăng tính giữ nước và chống lão hóa
Mất nước khiến da bạn trở nên khô, xù xì, chảy xệ và tái tạo chậm hơn rất nhiều, đó là lý do vì sao da khô thường có xu hướng yếu hơn, dễ kích ứng hơn và lão hóa nhanh hơn so với những loại da khác.
Và Glycolic Acid là một trong những chất thuộc nhóm Humectants, nghĩa là tăng khả năng giữ nước của da từ đó giúp da mềm mịn và khỏe hơn, đồng thời thúc đẩy quá trình sản sinh collagen, elastin, liền sẹo giúp da trẻ, căng hơn, ngăn ngừa nếp nhăn và vết chân chim.
Glycolic Acid trong điều trị sẹo, tái tạo da chuyên nghiệp
Bên cạnh việc có mặt trong các sản phẩm mỹ phẩm sử dụng hàng ngày, Glycolic Acid nồng độ cao, từ 20-70% được sử dụng là phương pháp lột da hóa học trong các viện da liễu, spa chuyên nghiệp.
Với nồng độ này, Glycolic Acid sẽ thẩm thấu sâu hơn, hoạt động mạnh hơn, loại bỏ một lượng lớn lớp tế bào sừng bên ngoài, làm mờ thâm, sạm, đồng thời thúc đẩy sự tái tạo của collagen, elastin, trẻ hóa da, ngăn ngừa sự hình thành và làm mờ sẹo rỗ sau mụn.
Tuy nhiên ở nồng độ này, bạn nhất định phải lựa chọn một địa chỉ uy tín với các bác sỹ, kỹ thuật viên đủ trình độ để thực hiện, tránh những tác dụng phụ có thể hủy hoại da, đồng thời cần đặc biệt lưu ý trong việc chăm sóc da sau lột.
Kết luận về Glycolic Acid
Ưu điểm
+ So với BHA, thì các thành phần Glycolic Acid hoạt động tốt hơn trên bề mặt từ đó mang tới hiệu quả tẩy tế bào chết tốt hơn, đồng thời còn tăng khả năng giữ nước, tái tạo trẻ hóa da.
+ So với các loại AHA khác, Glycolic Acid được xem là loại AHA hiệu quả tốt nhất, mạnh mẽ nhất. Nguyên nhân là bởi kích thước của Glycolic Acid nhỏ hơn rất nhiều, từ đó thẩm thấu vào da tốt hơn, mang tới tác dụng tốt hơn.
Nhược điểm:
+ Mức độ kích ứng của Glycolic Acid cao hơn: Hiển nhiên, việc thẩm thấu sâu hơn, tác dụng mạnh hơn đồng nghĩa với phản ứng của da cũng lớn hơn.
Để giảm thiểu tình trạng này, hãy sử dụng Glycolic Acid từ nồng độ thấp đến cao, ngoài ra nếu da bạn thuộc loại nhạy cảm thì Lactic Acid, Malic Acid là cái tên tốt hơn.
+ Khả năng trị mụn thấp hơn hẳn so với BHA vì không thể thẩm thấu vào lỗ chân lông, nhưng bằng cách loại bỏ tế bào chết và tăng cường tái tạo da, AHA là sự bổ sung hoàn hảo cho BHA trong quá trình này.
Loại da phù hợp
Có thể nói Glycolic Acid phù hợp và cần thiết cho mọi loại da, đặc biệt với da khô, da lão hóa, da phục hồi sau mụn, da bị sạm, nám.
Với da dầu, da hỗn hợp thiên dầu và da mụn, BHA vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu, tuy nhiên nếu có thể kết hợp với Glycolic Acid thì hiệu quả trị mụn cũng như tái tạo da, giảm thâm, sẹo sẽ tăng hiệu quả hơn rất nhiều.
Cách lựa chọn Glycolic Acid phù hợp nhất

Mặc dù Glycolic Acid là một trong những thành phần được yêu thích nhất trong ngành công nghiệp mỹ phẩm hiện tại, tuy nhiên để có được hiệu quả như mong muốn lại không phải là điều đơn giản.
Bởi vì bên cạnh tác dụng tốt, tương tự như nhiều phương pháp làm đẹp sử dụng acid tự nhiên khác, Glycolic Acid cũng sẽ mang đến những tác dụng phụ không mong muốn, nếu không biết kiểm soát có thể khiến da bị yếu đi, thậm chí phá hủy.
Dưới đây sẽ là những cơ sở để bạn có thể dựa vào để lựa chọn nhé
Chọn theo nồng độ sản phẩm
Glycolic Acid 2 – 5%: Đây là mức thấp, phù hợp với những bạn mới sử dụng, có tác dụng làm sạch tế bào chết, hỗ trợ điều trị mụn.
Glycolic Acid 5 – 10%: Khi da đã dùng quen với mức 5% bạn có thể nâng nồng độ lên khoảng 8%, 10%, đây là nồng độ phù hợp để sử dụng thường xuyên với mục đích dưỡng trắng, dưỡng ẩm, tái tạo da.
Glycolic Acid 12-15%: Nồng độ này phù hợp cho các bạn đang gặp phải tình trạng sẹo rỗ, thâm, sạm và cần có sự hướng dẫn, kê đơn và giám sát từ bác sĩ để tránh phản ứng phụ quá mức có thể gây tổn thương da.
Glycolic Acid 20-70%: Chỉ sử dụng trong các phương pháp lột da hóa học chuyên nghiệp tại các bệnh viện thẩm mỹ, cơ sở y tế, spa chuyên nghiệp.
Chọn theo dòng sản phẩm
Glycolic Acid có thể xuất hiện trong rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau, tùy theo tình trạng da, vấn đề da đang gặp phải mà bạn có thể lựa chọn.
Sản phẩm làm sạch: Sữa rửa mặt, toner, tẩy tế bào chết.
Dòng chuyên sâu: Trị mụn, Làm mờ nám, Làm mờ thâm, sẹo.
Sản phẩm chống lão hóa, dưỡng ẩm.
Và những sản phẩm chuyên biệt được sử dụng trong spa.
Chọn theo kết cấu sản phẩm
Kết cấu của một sản phẩm sẽ quyết định tới khả năng phù hợp của sản phẩm với cấu trúc da của bạn, và giúp bạn sắp xếp quy trình dưỡng phù hợp hơn. Glycolic Acid có thể xuất hiện trong các kết cấu:
Liquid: Điển hình là toner chứa Glycolic Acid, đây là cấu trúc phù hợp với hầu hết loại da, đặc biệt là da dầu, hỗn hợp thiên dầu, da đang bị mụn.
Gel: Gel chứa Glycolic Acid sẽ phù hợp với da dầu, hỗn hợp thiên dầu.
Lotion: Đặc hơn dạng gel một chút xíu, phù hợp với da thường, da khô, da dầu nhẹ.
Cream: Đặc nhất, dầy nhất và có khả năng dưỡng ẩm tốt, phù hợp với da khô.
Cách sử dụng Glycolic Acid trong chăm sóc da

Quy trình sử dụng và sự kết hợp thành phần
Với khả năng tẩy tế bào chết mạnh mẽ, bởi vậy sản phẩm có chứa Glycolic Acid phổ biến nhất chính là tẩy tế bào chết hóa học hoặc những toner có chứa Glycolic Acid.
Bởi vậy, trong bài viết chúng ta sẽ chỉ đề cập đến việc sử dụng những thành phần này, với quy trình sau đây:
Làm sạch >> Toner >> Glycolic Acid >> Bước chăm sóc khác
+ Làm sạch da với tẩy trang, sữa rửa mặt, không nên dùng tẩy tế bào chết hóa học trong những buổi dùng Glycolic Acid vì sẽ tăng độ nhạy cảm của da.
+ Sau khi làm sạch, da thường có độ pH cao hơn mức thông thường, khô và hơi căng. Bạn có thể để da tự phục hồi sau 5-10 phút, hoặc rút ngắn quá trình này bằng cách sử dụng các sản phẩm toner, lotion dưỡng ẩm thật nhẹ.
+ Sau khi da ổn định, thoa trực tiếp tẩy tế bào chết chứa Glycolic Acid/ toner chứa Glycolic Acid lên da, sau đó tiếp tục các bước chăm sóc da tiếp theo. Việc kết hợp giữa Glycolic Acid với các thành phần khác, bạn có thể cân nhắc một số thông tin dưới đây.
Glycolic Acid có thể kết hợp thoải mái với Vitamin C, vì thành phần này có cùng độ pH, tuy nhiên Vitamin C nồng độ cao có thể gây kích ứng, bởi vậy, hãy đợi 5-10 phút tránh da kích ứng quá mức.
Glycolic Acid với các loại kem dưỡng ẩm chứa Hyaluronic aicd, Glycerin, Ceramides thoải mái, những thành phần này tốt cho da và giảm mức độ kích ứng.
Glycolic Acid và BHA hay các thành phần tẩy tế bào chết khác không nên kết hợp, vì không cần thiết.
Glycolic Acid có thể kết hợp với Retinoids/ Niacinamide nhưng cần thời gian, vì 2 nhóm chất đều có mức độ kích ứng cao, lại hoạt động trong môi trường pH khác nhau, da cần thời gian nghỉ và cân bằng lại, nên đợi khoảng 7-10 phút.
Lưu ý:
Luôn sử dụng Glycolic Acid từ nồng độ từ thấp đến cao, mức cao nhất để sử dụng hàng ngày chỉ nên là khoảng 10%, việc dùng nồng độ cao ngay sẽ khiến da bạn bị kích ứng nặng nề.
Thời điểm tốt nhất để dùng Glycolic Acid là vào buổi tối, và lưu ý chống nắng thật tốt vào buổi sáng với SPF tối thiểu là 30.
Trong giai đoạn đầu sử dụng, bạn chỉ nên dùng Glycolic Acid cách ngày, 3-4 lần/ tuần, sau đó tăng dần tần suất và có thể dùng hàng ngày.
Phản ứng phụ khi dùng Glycolic Acid
Kích ứng với Glycolic Acid
Đây là phản ứng đầu tiên mà bạn có thể gặp phải khi sử dụng Glycolic Acid, đặc biệt do kích thước nhỏ, thẩm thấu sâu, tác dụng mạnh, Glycolic Acid có mức độ kích ứng cao hơn hẳn các loại AHA khác, và cao hơn so với BHA.
Những phản ứng đầu tiên sẽ là châm chích, ửng đỏ, đau rát, mức độ nặng và nhẹ tùy thuộc vào độ nhạy cảm của da và nồng độ mà bạn sử dụng. Nếu mức độ kích ứng quá nặng, hãy giảm nồng độ và tần suất.
Phản ứng tiếp theo có thể gặp phải là tình trạng da bong tróc, đây là điều bình thường khi những lớp tế bào chết trên cùng bong ra, bạn có thể khiến da mềm đi và bong ra tốt hơn bằn cách cấp ẩm, đặc biệt khi da bạn thuộc loại da khô.
Glycolic Acid đẩy mụn
Nhiều bạn cho rằng chỉ BHA có khả năng thẩm thấu vào lỗ chân lông mới có tác dụng đẩy mụn, nhân mụn ra ngoài, nhưng thực tế lại không hẳn như vậy.
Tương tự như Retinol, Glycolic Acid cũng có tác dụng đẩy mụn lên bằng cách loại bỏ lớp tế bào chết phía trên và kích thích da phía dưới tái tạo nhanh hơn, từ đó giúp nhân mụn nhanh chóng được đẩy lên bề mặt.
Chính vì điều này, khi sử dụng Glycolic Acid da bạn vẫn sẽ gặp phải tình trạng đẩy mụn, với các loại mụn viêm hoặc mụn chưa viêm.
Tuy nhiên, tình trạng đẩy mụn sẽ chỉ diễn ra trong khoảng 2- 8 tuần, tùy thuộc vào tình trạng da cũng như tần suất sử dụng, và sẽ giảm dần, còn nếu mụn mọc ngày càng nhiều thì có thể bạn đang bị dị ứng.
>> Xem thêm: Phân biệt đẩy mụn (purging) và nổi mụn (break out) khi sử dụng mỹ phẩm
Dị ứng với Glycolic Acid
Biểu hiện ban đầu rất giống với kích ứng và đẩy mụn, bao gồm châm chích, đau rát, ửng đỏ, bong tróc, ngứa và nổi mụn.
Tuy nhiên, theo thời gian, khi da bạn đã quen thì mức độ kích ứng sẽ giảm dần, mụn được đẩy lên cũng sẽ giảm dần, nhưng dị ứng thì không. Để phân biệt bạn cần theo dõi sự chuyển biến của da để xác định.
>> Xem thêm:
Một số câu hỏi về Glycolic Acid
Khi da đã đẹp có thể ngừng sử dụng không, những vấn đề như mụn, da xù xì có tái phát không?
Khi bạn sử dụng Glycolic Acid để giảm mụn, thâm, nám với nồng độ cao, cần tư vấn và theo dõi bởi bác sỹ và ngưng sử dụng khi vấn đề đã được giải quyết.
Còn trong việc chăm sóc da hàng ngày, tế bào chết, melanin trên da được sản sinh liên tục, bởi vậy sử dụng Glycolic Acid thường xuyên sẽ giúp da bạn luôn ở trạng thái tốt nhất, không nên ngưng sử dụng nhé.
Độ tuổi nào có thể sử dụng Glycolic Acid
15-16 tuổi là bạn có thể bắt đầu làm quen với nhứng sản phẩm có chứa Glycolic Acid để tẩy tế bào chết, giảm và ngừa mụn, tuy nhiên luôn chọn nồng độ nhẹ nhất nhé.
Đến đây, hi vọng rằng những thắc mắc của bạn về Glycolic Acid – một trong những thành phần vàng trong dưỡng da đã có được câu trả lời đầy đủ và chính xác nhất. Và sau đó đừng quên bổ sung dưỡng chất này trong routin của mình nhé.
Đừng quên còn rất nhiều kiến thức, thông tin khác về làm đẹp da sẽ tiếp tục được chia sẻ tại Hello!Pháiđẹp, và đừng quên chia sẻ để cùng nhau lan tỏa những kiến thức hữu ích tới mọi người nhé!