Prolactin được biết đến là một nội tiết tố nữ quan trọng nhất trong giai đoạn mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ, đây cũng là một trong những chỉ số đánh giá sức khỏe sinh sản ở cả nam và nữ!
Tuy nhiên, đó không phải là tất cả Prolactin còn đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động khác, bao gồm cả trao đổi chất và miễn dịch của cơ thể.
Vậy Hormone Prolactin là gì, được tiết ra từ đâu và hoạt động như thế nào, cùng tìm hiểu thật chi tiết cùng Hello!PháiĐẹp qua bài viết dưới đây nhé!
Hormone Prolactin là gì?

Prolactin (PRL) hay luteotropic hormon hoặc luteotropin là một hormone được sản xuất từ thùy trước của tuyến yên, được tiết ra theo từng giai đoạn để đáp ứng các nhu cầu về ăn uống, sinh lý, và được quan tâm nhiều nhất chính là kích thích sản xuất sữa.
Prolactin được tìm thấy lần đầu tiên ở động vật vào năm 1930 do nhà bác học Oscar Riddle, đến năm 1970 nhà bác học Henry Friesen đã xác nhận được sự tồn tại của hormone này trên cơ thể người.
Trọng lượng phân tử của Prolactin vào khoảng 22 – 23 kD với 198 loại acid amin khác nhau. Các nghiên cứu về huyết thanh đã tìm thấy Prolactin dưới 3 dạng khác nhau:
Dang đơn phân: Chiếm khoảng 80%, đây là dạng có hoạt tính sinh học và khả năng miễn dịch.
Dạng nhị phân: Chiếm khoảng 5 – 20% và không có hoạt tính sinh học.
Dạng tứ phân: Chỉ chiếm 0,5 – 5% và có hoạt tính sinh học thấp.
Hormone Prolactin tăng cao được tìm thấy ở cả nam và nữ, tăng cao ở phụ nữ mang thai và cho con bú.
Cơ chế sản xuất Prolactin

Prolactin được sản xuất tại thùy trước của tuyến yên và được điều hòa bởi các tế bào thần kinh vùng dưới đồi bao gồm:
- Tế bào thần kinh Tuberoinfundibulum (TIDA): Là tế bào quan trọng nhất của hạt hạnh nhân vòng cung, tế bào này sẽ tiết ra Dopamine – Hormone ức chế Prolaction- để tác động lên thụ thể D2 của lactotrophs, gây ức chế tiết Prolactin
- Hormone giải phóng thyrotropin tại vùng dưới đồi, với tác dụng phóng thích prolactin.
Sự điều hòa hoạt động của 2 hormone này sẽ giúp cho hàm lượng Prolactin được duy trì ổn định trong cơ thể con người, từ đó phát huy vai trò của nó.
Vai trò không thể thiếu của Hormone Prolactin
- Quyết định tới quá trình tiết sữa và lượng sữa mẹ
Đây là vai trò quan trọng và cũng được quan tâm nhất của Prolactin, khi mang thai Prolactin được tiết ra nhiều sẽ kích thích tuyến vú tiết sữa. Tuy nhiên vì sao sự tiết sữa này chỉ thật sự diễn ra sau sinh.
Nguyên nhân là bởi trong khi mang thai nhau thai tiết ra hàm lượng Estrogen và Progesterone rất cao, điều này là đặc biệt cần thiết để giúp cho tuyến vú phát triển và giữ cho thai nhi ổn định trong tử cung. Tuy nhiên lượng Estrogen cao sẽ kích thích tế bào thần kinh TIDA tiết ra Dopamine gây ức chế tiết Prolactin ngăn chặn tình trạng tiết sữa, kết quả là trước khi sinh sữa không được tiết ra hoặc được tiết ra với lượng rất ít được gọi là sữa non.
Sau sinh, khi nhau thai bong khỏi tử cung, hàm lượng Estrogen và Progesterone giảm đột ngột sẽ dẫn đến bài xuất Prolatin, khởi phát việc tạo sữa. Trong suốt quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, hàm lượng Prolactin sẽ ảnh hưởng rất lớn tới lượng sữa mẹ.
Những rối loạn trong việc sản xuất sữa mẹ như sữa mẹ về quá ít, về quá nhiều, hoặc tiết sữa khi không mang thai đều có mối quan hệ mật thiết với hàm lượng của hormone Prolactin.
Bạn có thể tham khảo kỹ hơn về vấn đề này qua bài viết dưới đây:
( Cơ chế sản xuất sữa mẹ
Mối liên quan giữa hormone Prolactin và cơ chế sản xuất sữa mẹ
Làm thế nào để tăng tiết Prolactin khi nuôi con bằng sữa mẹ
Tiết sữa khi không mang thai)
- Điều hòa hoạt động của cơ quan sinh sản
Ở phụ nữ thông thường, không chỉ có Estrogen, Progesteron, FSH, LH và Prolactin cũng ảnh hưởng rất lớn tới chu kỳ kinh nguyệt.
Trong hệ sinh dục, prolatin còn có tên gọi là kích tố dưỡng thể vàng, prolactin có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình rụng trứng và hình thành kinh nguyệt, từ đó quyết định tới khả năng thụ thai của phụ nữ.
Theo đó, hàm lượng hormone estrogen và nồng độ prolactin trong máu luôn tỷ lệ nghịch với nhau, nếu hàm lượng estrogen tăng cao sẽ kích thích bài tiết hormone Dopamine gây ức chế tiết Prolactin, ngược lại vì nghuyên nhân nào đó nồng độ Prolactin được bài tiết cao hơn sẽ ức chế bài tiết Estrogen từ buồng trứng.
Trong khi đó Estrogen có tác động âm tính ngược lên vùng hạ đồi – tuyến yên gây tăng tiết hormone LH (hormone kích thích rụng trứng), việc ức chế tiết Estrogen sẽ khiến lượng LH tiết ra thấp đi, ngăn chặn hiện tượng rụng trứng.
Với mẹ sau sinh thì đây chính là phương pháp tránh thai tự nhiên bằng cho con bú. Tuy nhiên trong trường hợp bình thường thì đây lại là dấu hiệu cho thấy sự rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng lớn tới hoạt động buồng trứng và niêm mạc tử cung, biểu hiện ra ngoài là tình trạng rối loạn kinh nguyệt, tắt kinh, vô kinh, giảm khả năng thụ thai và gây vô sinh hiếm muộn.
- Đều hòa hoạt động của cơ thể
Bên cạnh tác động rất rõ ràng lên hoạt động của các cơ quan sinh sản và quá trình sản xuất sữa mẹ, Prolactin còn hoạt động theo cơ chế tương tự như cytokine – là các chất trung gian điều hòa giữa các tế bào trong cơ thể.
Bởi vậy Prolactin còn đóng nhiều vai trò quan trọng gồm:
- Điều hòa hoạt động của hệ thống miễn dịch và trao đổi chất của cơ thể
- Ảnh hưởng dến quá trình sinh trưởng và biệt hóa tế bào
- Ảnh hưởng lớn đến quá trình tạo máu, sinh tăng sinh của các mạch máu, và cả quá trình đông máu.
- Ảnh hưởng tới sự hoạt động của các tuyến nội tiết khác, đặc biệt là tuyến tụy
Hormone Prolactin và những vấn đề thường gặp
Prolactin là hormone xuất hiện ở cả nam và nữ, khi nồng độ Prolactin ở mức phù hợp sẽ giúp cơ thể duy trì trạng thái cân bằng ở mọi hoạt động trao đổi chất, miễn dục và sinh dục. Tuy nhiên sự rối loạn Prolactin hoàn toàn có thể xảy ra và dẫn đến những ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, với những biểu hiện bao gồm:
- Chức năng miễn dịch và trao đổi chất suy giảm, khiến cơ thể mệt mỏi kéo dài, dễ nhiễm bệnh hơn.
- Rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, mất kinh hay rối loạn sản xuất sữa ở phụ nữ.
- Rối loạn chức năng sinh dục ở nam giới.
Khi gặp phải những dấu hiệu trên, người bệnh sẽ được chỉ định xét nghiệm nội tiết tố, trong đó có Prolactin. Dưới đây sẽ là một số rối loạn và nguyên nhân thường gặp:
- Hàm lượng Prolactin cao
Là tình trạng Prolactin được tiết ra nhiều hơn mức bình thường, nguyên nhân của vấn đề này rất đa dạng, có thể bao gồm:
– Những tổn thương thực thể tại tuyến yên như các khối u với kích thước trên dưới 1cm. Các bác sỹ cho rằng những khối u này hình thành bởi sự giảm mức độ dopamine trong tuyến yên hoặc sự cô lập mạch máu của các tế bào u tuyến, từ đó dẫn tới sự bài tiết thừ prolactin.
– Những bệnh lý tuyến yên và vùng dưới đồi khác cũng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động bài tiết Prolactin. Hoặc bệnh lý tuyến giáp ảnh hưởng trở lại hoạt động tuyến yên và vùng dưới đồi
– Rối loạn giảm hàm lượng Estrogen sẽ kích thích tiết Prolactin nhiều hơn.
– Rối loạn hormone sinh dục nam gây Hội chứng buồng trứng đa nang gây tăng tiết Prolactin
– Bệnh lý gan, thận, tim mạch, hoặc các chấn thương phổi, ngực cũng sẽ tăng tiết prolactin trong một số trường hợp
– Sử dụng một số loại thuốc gây tăng tiết prolactin
– Trầm cảm, căng thẳng, lo âu, chế độ dinh dưỡng không phù hợp gây tăng tiết Prolactin.
> Đọc thêm: Prolactin cao nên ăn gì để hỗ trợ điều trị hiệu quả?
- Hàm lượng Prolactin thấp: Đây là dấu hiện cho một số vấn đề sau:
– Suy giảm chức năng tuyến yên gây suy giảm tiết Prolactin
– Rối loạn chức năng buồng trứng, tăng tiết Estrogen sẽ gây giảm Prolactin, gây nguy cơ ung thư vú và nhiều hệ lụy khác
– Hội chứng trao đổi chất, lo âu, rối loạn tâm lý cũng khiến giảm hàm lượng Prolactin
Ở nam giới tình trạng suy giảm chức năng nam giới giảm hàm lượng hormone sinh dục nam Androgen khiến lượng Prolactin tiết ra bị giảm, bao gồm: rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, ít tinh bào, suy nhược tinh trùng, giảm chức năng túi tinh và Có thể nói răng, có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới sự rối loạn trong hoạt động tiết Prolactin của tuyến yên, để xác định bệnh nhân có thể sẽ phải thực hiện nhiều siêu âm, xét nghiệm khác nhau.
Hi vọng rằng với những thông tin được chia sẻ, bạn đã có thể tự mình trả lời những câu hỏi như Homrone Prolactin là gì, có vai trò gì cũng như những dấu hiệu bất thường liên quan tới loại nội tiết tố này, từ đó có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân một cách tốt hơn.
Còn rất nhiều kiến thức bổ ích khác về tình yêu, hôn nhân hay chuyện vợ chồng đang chờ bạn khám phá, cùng tiếp tục đồng hành cùng Hello!PháiĐẹp trong hành trình ý nghĩa này nhé!