Hydroquinone là một trong những thành phần mỹ phẩm gây tranh cãi nhất hiện nay, tác dụng nhanh, mạnh nhưng đồng thời cũng gây ra rất nhiều tác dụng phụ không mong muốn yêu cầu cần sử dụng đúng cách và cẩn thận.
Nếu bạn đang quan tâm và băn khoăn về những sản phẩm có chứa Hydroquinone, bài viết dưới đây sẽ giải đáp tất cả thắc mắc có liên quan để bạn hiểu, chọn và dùng một cách an toàn, hiệu quả nhất.
Cùng dành ra 3 phút để bắt đầu tìm hiểu với Hello!PháiĐẹp nhé!
Hydroquinone: Định nghĩa, tác dụng và mức độ an toàn

Hydroquinone hay benzene-1,4-diol hoặc quinol có công thức hóa học là C6H4(OH)2 là một hợp chất hữu cơ cụ thể nó là một dẫn xuất của benzen, trong điều kiện thường nó ở dạng hạt màu trắng.
Tác dụng quan trọng nhất của Hydroquinone là giúp ức chế quá trình sản xuất melanin bằng cách ức chế tyrosinase từ đó ức chế quá trình chuyển đổi DOPA thành melanin.
Tuy nhiên, Hydroquinone không chỉ tác động đến sự hình thành, quá trình Melanin hóa, làm mất các hạt melanin mà nó còn tác dụng lên màng của tế bào melanocytes nơi sản sinh melanin, thậm chí loại bỏ hoàn toàn tế bào này.
Chính vì cơ chế hoạt động như vậy, Hydroquinone được xem là một trong những chất có hiệu quả cao nhất trong việc loại bỏ melanin, làm sáng da, điều trị tình trạng nám hay những vết đốm nâu. Tuy nhiên cũng từ đây nó sẽ dẫn đến rất nhiều những tác dụng phụ không mong muốn.
Ngoài ra, Hydroquinone là một chất oxy hóa, nó có thể gây độc cho tế bào da khiến da yếu đi và dễ bị lão hóa hơn.
Vì những điều trên việc sử dụng Hydroquinone là một trong những vấn đề luôn gây tranh cãi, thậm chí hoạt chất này còn bị cấm ở một số nơi, như Nam Phi vì những tác dụng tiêu cực của nó lên loại da của người sống ở khu vực này.
Dưới đây là một số thông tin an toàn về sản phẩm mà bạn cần nắm trước khi bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về cách dùng hay tác dụng phụ.
Vào năm 1983 Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã công nhận Hydroquinone là an toàn và hiệu quả.
Vài năm sau, những lo ngại về an toàn và phản ứng phụ của Hydroquinone khiến việc sử dụng thành phần này bị loại bỏ khỏi thị trường. Tuy nhiên FDA đã tiếp tục điều tra và phát hiện ra nguyên nhân của tình trạng này là bởi nhiều sản phẩm trong số được đề cập có chứa thủy ngân.
Kể từ đó FDA đã xác nhận rằng việc sử dụng Hydroquinone với nồng độ 2% là an toàn và được phép có mặt trong những sản phẩm không kê đơn(OTC).
Với nồng độ trên 2% đến 4%, Hydroquinone chỉ được phép có mặt trong các sản phẩm kê đơn (ETC) và sử dụng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ.
Hướng dẫn sử dụng Hydroquinone

Xác định loại da và phản ứng của da với Hydroquinone
Đây là một bước quan trọng để xem bạn có thể sử dụng sản phẩm này hay không.
Đầu tiên là màu da của bạn, nếu bạn thuộc tuýp da đen như người Châu Phi, Ấn Độ hay Trung Đông thì không nên tự ý sử dụng những sản phẩm có chứa Hydroquinone, kể cả là dưới 2% hay trên 2% vì có thể dẫn đến tình trạng mất màu da vĩnh viễn, làm da trở nên có màu xanh đen.
Mặc dù tỷ lệ này rất thấp, chỉ vào khoảng 1/100.000 nghìn và rất hiếm gặp ở Việt Nam nhưng dù sao bạn vẫn lên lưu ý nếu tone da của bạn đen hơn bình thường.
Thứ 2 là phản ứng của da với Hydroquinone, vì thành phần này có tỷ lệ kích ứng cao hơn bình thường một chút, hãy thoa một lượng nhỏ ở cổ tay rồi đợi trong vòng 24h, có thể thoa thêm sau khoảng 5h một lớp mỏng.
Nếu sau 24h làn da của bạn không xuất hiện dấu hiệu ngứa, đau rát, ửng đỏ thì bạn có thể sử dụng, ngược lại nếu có những tình trạng trên thì bạn có thể không phù hợp với Hydroquinone.
Cách dùng và lưu ý khi sử dụng Hydroquinone
Để sử dụng Hydroquinone bạn cần làm sạch da, sau đó chỉ sử dụng Hydroquinone trên vùng da nám, sẹo hoặc đốm nâu, không thoa khắp mặt, sử dụng ngày 2-3 lần.
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả dưới đây sẽ là những lưu ý dành cho bạn:
– Không dùng Hydroquinone trên những vùng da mắt, mũi và miệng vì đây là những vùng nhạy cảm có thể gây ra tình trạng bỏng rát.
– Không dùng Hydroquinone trên vết thương hở, vùng da bị kích ứng.
– Không kết hợp Hydroquinone với resorcinol khiến tăng khả năng kích ứng và làm da bị thâm tím và làm tăng nguy cơ mất màu của da.
– Không kết hợp Hydroquinone với những thành phần có khả năng cung cấp oxy như benzoyl peroxide, oxy già (hydrogen peroxide ) hay mặt nạ oxy cho da vì sẽ gây ra tình trạng nhuộm màu da, tạo vết đen, mặc dù vết này có thể rửa bằng xà phòng nhưng tốt nhất hãy tránh xa sự kết hợp này.
– Không sử dụng Hydroquinone nếu bạn gặp tình trạng hen suyễn, với phụ nữ mang thai và cho con bú nhất định cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
– Rửa tay cẩn thận sau khi sử dụng Hydroquinone để tránh ảnh hưởng đến vùng da khác, quần áo, vật dụng vì nó dễ bị oxy hóa và đổi màu.
– Sử dụng kem chống nắng với chỉ số SPF 30-50 với lượng vừa đủ vì Hydroquinone làm mất đi lớp melanin bảo vệ da, tăng mức độ nhạy cảm của da, tăng nguy cơ bỏng nắng, cháy nắng, ung thư da.
– Hydroquinone là một chất oxy hóa, nên dễ bị oxy, chuyển màu, nên bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát và không sử dụng khi gặp phải tình trạng đổi màu này.
– Hydroquinone có thể gây hại khi nuốt phải, hãy tìm kiếm trợ giúp y tế trong trường hợp này.
Thời gian sử dụng Hydroquinone theo chu kỳ 4 tháng
Việc sử dụng Hydroquinone có tác dụng làm trắng, mờ nám và đốm thâm rất hiệu quả, có thể nói là hiệu quả nhất, nhưng bên cạnh đó cũng mang tới nhiều nguy cơ cho da và cơ thể, bởi vậy thông thường các chuyên gia da liễu đều khuyên dùng Hydroquinone theo chu kỳ 4 tháng, sau đó nên sử dụng những thành phần khác như là arbutin, kojic acid, azelaic acid, sau 4 tháng có thể quay trở lại tiếp tục sử dụng hydroquinone.
Cũng với lý do đó, trong vòng 2-3 tháng đầu nếu việc sử dụng sản phẩm không đạt hiệu quả hãy tìm gặp bác sỹ để tăng nồng độ, và tuyệt đối không dùng trong 5 tháng liên tục cho 1 lần điều trị.
Nếu trong quá trình sử dụng bạn gặp phải bất cứ tác dụng phụ nào của Hydroquinone hãy ngưng sử dụng và tham khảo ý kiến của bác sỹ.
Tác dụng phụ khi sử dụng Hydroquinone
Thông thường Hydroquinone có khả năng dung nạp rất tốt tuy nhiên vẫn có một số tác dụng phụ có thể xảy ra.
Nếu da bạn thuộc loại da khô và nhạy cảm, bạn sẽ gặp phải tình trạng da khô hơn kèm theo những vấn đề như đau rát, ửng đỏ, châm chích khi sử dụng. Cách khắc phục dành cho bạn trong tình huống này là kéo dãn thời gian giữa những lần sử dụng để da có thể tự điều chỉnh, sau một thời gian những hiện tượng trên sẽ giảm dần.
Bên cạnh kích ứng thì Hydroquinone cũng có thể gây dị ứng với những biểu hiện: phát ban, ngứa, nổi mề đay, nặng hơn là sưng, phồng rộp, nổi mụn nước, nặng hơn nữa là sốt, tức ngực, khó thở, sưng miệng, môi lưỡi hoặc cuống họng.
Ngoài ra khi sử dụng Hydroquinone có thể dẫn tới một phản ứng phụ có tế gọi là Chronosis hay đồng bộ ngoại sinh với những biểu hiện bằng những nốt sẩn hoặc sắc tố đen hơi xanh tại những khu vực thoa thuốc. Điều này trái ngược hoàn toàn với tác dụng của Hydroquinone gây ra bởi sự mất đi các tế bào sắc tố của da, thường gặp ở những người có sắc tố da hơi đen và sử dụng Hydroquinone trong thời gian dài.
Bởi vậy nếu thấy xuất hiện tình trạng này hãy ngưng sử dụng và tìm kiếm trợ giúp của chuyên gia da liễu.
Riêng về nguy cơ gây ung thư thì hiện FDA chua loại Hydroquinone ra gỏi danh sách các chất có thể gây ung thư, Hydroquinone được tìm thấy như một trong số các nguyên nhân gây phát sinh ung thư ở chuột. Tuy nhiên vẫn chưa rõ nguy cơ đối với người.
Bởi vậy để sử dụng lâu dài bạn vẫn lên thay thế Hydroquinone bằng những chiết xuất dẫn trắng khác.
Một số sản phẩm mỹ phẩm có thành phần Hydroquinone

Admire My Skin Ultra-Potent Brightening Serum: Sản phẩm này là sự kết hợp của hydroquinone 2% cùng salicylic acid, azelaic acid, lactic acid và vitamin C, tất cả đều là những chất có khả năng tẩy tế bào chết hoặc làm sáng da, giảm lượng melanin trên da. Có tác dụng làm sáng, giảm nám, đốm thâm và làm đều màu da.
Murad Rapid Age Spot and Pigment Lightening Serum: Một sản phẩm làm mờ thâm nám khá nổi tiếng của nhà Murad với thành phần có chứa 2% hydroquinone, hexapeptide-2, và glycolic acid, giúp loại bỏ da chết, mờ thâm nám đồng thời còn giảm nguy cơ lão hóa gây ra bởi Hydroquinone.
Obagi Nuderm System Blender: Một sản phẩm trị nám của nhà Obagi rất được chú ý thời gian gần đây, thành phần có chứa Hydroquinone 4%, sodium lauryl sulfate, lactic acid, sodium metabisulfite, ascorbic acid (vitamin C). Với nồng độ 4% bạn chỉ nên sử dụng sản phẩm này dưới sự hướng dẫn của bác sỹ da liễu.
Paula’s Choice RESIST Triple Action Dark Spot Eraser: Sản phẩm trị thâm và mờ đốm nâu có chứa Hydroquinone 2%, Salicylic Acid cùng một lượng khá lớn các hoạt chất thực vật giúp chống oxy hóa, có tác dụng làm mờ vết thâm, đốm, làm sạch tế bào chết của da, đồng thời nguy cơ gây lão hóa của Hydroquinone cũng được kiểm soát tốt.
AMBI Fade Cream: Sản phẩm trị thâm này có chứa 2% hydroquinone và lactic acid ở nồng độ thấp nên giúp làm mờ thâm, đốm.
Tuy nhiên sản phẩm không hợp với da nhạy cảm vì có chứa 2% Padimate O hay PABA là chất chống nắng có thể gây kích ứng và bị cấm tại một số quốc gia, khu vực.
Một số thành phần thay thế Hydroquinone
Bởi những tác động có hại lên da nên mặc dù hiệu quả cao nhưng Hydroquinone không phù hợp cho việc sử dụng lâu dài trong điều trị hay chăm sóc da hàng ngày. Bởi vậy ngày càng nhiều các nghiên cứu và cùng với đó là các hoạt chất có khả năng làm sáng da, loại bỏ Melanin được ra đời.
Dưới đây là một số chất điển hình, không chỉ giúp mờ nám, sạm mà còn có rất nhiều tác dụng tốt cho da:
Alpha Arbutin: Là một dẫn xuất của Hydroquinone với tác dụng ức chế rất tốt quá trình sản sinh melanin nhung lại không gây độc cho tế bào, đây được xem là một sự thay thế hoàn hảo nhất trong thời điểm hiện này.
Tuy nhiên nhược điểm của thành phần này là khá đắt, hiệu quả tốt nhất chỉ tìm thấy được từ chiết xuất Bearberry, lúa mì, lá của quả việt quất và nam việt quất, Alpha Arbutin tổng hợp có hiệu quả kém hơn.
Kojic Acid: Chiết xuất từ một loại nấm ở nhật bản, và cũng là một trong những sản phẩm phụ của quá trình lên men gạo, rượu. Kojic Acid ức chế hoạt động của men Tyrosinase từ đó giảm hình thành melanin, làm sáng và làm trắng da.
Sau Hydroquinone thì đây được xem là lựa chọn tuyệt vời tiếp theo trong việc trị nám, đặc biệt là khi được kết hợp với Glycolic Acid 10%.
Ngoài ra Kojic Acid còn là một chất chống oxy hóa, nên không gây tác dụng phụ làm lão hóa da như Hydroquinone.
Tuy nhiên thành phần này cũng có nhược điểm là thường gây nguy cơ kích ứng và khó chịu cao hơn khi sử dụng .
Chiết xuất cam thảo: Đây là một hướng đi mới cho các sản phẩm làm sáng và trị thâm nám, các nghiên cứu đã tìm ra chiết xuất cam thảo có chứa hợp chất glabridin có tác dụng rất rõ rệt trong việc ức chế men tyrosinase từ đó giảm sự sản sinh melanin.
Về hiệu quả, dẫn xuất cam thảo cho thấy nó có thể tương đương với Hydroquinone và không gây ra tác dụng phụ. Hiện chiết xuất này cũng được sử dụng rất phổ biến, tuy nhiên những nghiên cứu chưa đủ thuyết phục để có thể thay thế Hydroquinone ở nồng độ cao.
Vitamin C (axit L-ascorbic): Một trong những thần dược có thể được tìm thấy trong hầu hết các sản phẩm làm đẹp hiện nay, nhất là những sản phẩm dưỡng trắng da hay chống lão hóa.
Thực tế Vitamin C mang tới rất nhiều tác dụng, trong đó có tác dụng làm sáng da bằng cách phản ứng với ion đồng trong men tyrosinase từ đó ức chế enzyme này và ngăn chặn sự hình thành của melanin.
Ngoài ra Vitamin C còn là một phần quan trọng trong quá trình sản xuất collagen, tạo liên kết chéo giữa các peptide, nó còn là chất chống oxy hóa giúp chống lão hóa và hạn chế tác hại của tia cực tím.
Tuy nhiên nếu xét riêng về khả năng làm sáng hiệu quả của Vitamin C không cao bằng Hydroquinone, nhất là sử dụng để trị nám, đốm nâu thì sự khác biệt có thể khá rõ. Nếu sử dụng Vitamin C ở nồng độ cao để tăng hiệu quả thì da bạn sẽ lại phải đối diện với nguy cơ kích ứng cao.
Azelaic acid: Đây cũng là một chất thường xuất hiện trong những sản phẩm trị mụn, thâm và nám, có tác dụng diệt khuẩn đồng thời hạn chế sự sản xuất tyrosinase và giúp giảm sự hình thành sắc tố da.
Tuy nhiên về hiệu quả thì tương tự như Vitamin C, chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ sung.
Niacinamide: Niacinamide có khả năng làm chậm quá trình vận chuyển của melanin lên bề mặt da từ đó giúp tăng hiệu quả làm mờ thâm nám, không những vậy thành phần này còn giúp kháng khuẩn và phục hồi lớp biểu bì của da, kích thích quá trình sản sinh của tế bào da, chống oxy hóa.
Bởi vậy bạn sẽ thường xuyên bắt gặp Niacinamide hay Niacin hay Vitamin B3 trong những sản phẩm làm sáng, trị thâm nám như một thành phần bổ sung.
AHA/BHA : Sử dụng các thành phần này với nồng độ khác nhau sẽ góp phần quan trọng trong điều trị nám.
Với nồng độ thấp, BHA khoảng 2-4%, AHA khoảng 8-10% nó sẽ giúp đào thải lớp da chết trên da, tăng cường hiệu quả của Hydroquinone, Kojic Acid, Alpha Arbutin.
Với nồng độ cao AHA, BHA được sử dụng trong phương pháp Peel da hay Lột da giúp loại bỏ những lớp da trên cùng từ đó làm mờ nám, đặc biệt là nám mảng và tăng cường tái tạo da.
Retinol và Tretinoin: Hai dẫn xuất của Vitamin A này có tác dụng thúc đẩy quá trình tái tạo của lớp tế bào da ở lớp đáy từ đó thúc đẩy tốc độ thay da nhanh hơn, loại bỏ lớp da nhiễm melanin bị nám phía trên đồng thời giúp trẻ hóa da.
Tuy nhiên Retinol và Tretinoin thường ít được kết hợp cùng Hydroquinone hay Kojic Acid trong một sản phẩm, bạn nên kết hợp chúng trong một routine và có thể sử dụng luân phiên tránh tình trạng da kích ứng quá mức.
Cảm ơn bạn đã theo dõi hết bài viết, hi vọng những thông tin mà Hello!PháiĐẹp đã đưa tới có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm, tác dụng cũng như cách dùng của Hydroquinone – Một thành phần hiệu quả nhưng khá gây tranh cãi trong mỹ phẩm, từ đó có được lựa chọn hợp lý nhất cho vấn đề của mình.
Đừng quên còn rất nhiều kiến thức, thông tin khác về cẩm nang làm đẹp và kiến thức về mỹ phẩm sẽ tiếp tục được chia sẻ tại Hello!Pháiđẹp, và đừng quên chia sẻ để cùng nhau lan tỏa những kiến thức hữu ích tới mọi người nhé!