Tia bức xạ trong ánh nắng mặt trời là nguyên nhân hàng đầu gây ra những tình trạng như bỏng, sạm, nám, lão hóa và ung thư da, bởi vậy từ lâu sử dụng kem chống nắng đã là một bước không thể thiếu trong mọi quy trình skincare hiệu quả.
Tuy nhiên kem chống nắng lại được chia làm 2 loại, là chống nắng vật lý và chống nắng hóa học với những ưu nhược điểm và cách sử dụng riêng biệt. Bài hôm nay hãy cùng Hello!PháiĐẹp tìm hiểu thật kỹ về kem chống nắng vật lý và những vẫn đề liện quan nhé!
Kem chống nắng vật lý: Khái niệm và cơ chế hoạt động

Kem chống nắng vật lý hay kem chống nắng vô cơ là những sản phẩm có tác dụng chống nắng nhờ vào những thành phần vô cơ, phổ biến nhất chính là titanium dioxide và zinc oxide nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và ảnh hưởng của các tia UVA và UVB, từ đó giảm thiểu tác hại đến ngoại hình cũng như sức khỏe của làn da, bao gồm giảm sự phá hủy collagen, elastin, ngăn ngừa hình thành Melanin
Thông thường để nhận biết các sản phẩm kem chống nắng vật lý bạn có thể xem xét và tìm kiếm titanium dioxide và zinc oxide hoặc các hợp chất từ kẽm trong bảng thành phần.
Về cơ chế, những thành phần vô cơ sẽ tạo ra một lớp màng bao phủ có khả năng phản xạ lại ánh nắng mặt trời, từ đó ngăn chặn sự đâm xuyên của các tia bức xạ trong ánh nắng mặt trời, bởi vậy trong tiếng Anh, kem chống nắng vật lý còn có tên gọi là sunblock, nghĩa là ngăn chặn, loại bỏ.
Tùy theo từng công thức mà sản phẩm kem chống nắng có thể chứa thành phần chống nắng kết hợp với nhiều chất khác, dưới đây sẽ là thông tin và khả năng chống nắng của hai chất thường gặp nhất:
Titan Dioxide, hoặc Titanium Dioxide
Titan Dioxide là thành phần chống nắng phổ rộng, nghĩa là chống lại cả UVA và UVB, tuy nhiên tác động chống UVA kém hơn, chủ yếu đề cập đến tác động ngăn chặn UVB.
Ưu điểm của Titan Dioxide là lành tính, độ kích ứng thấp, phù hợp cho nhiều loại da, kể cả da nhạy cảm và da của trẻ nhỏ, hiệu quả rất tốt trong việc giảm thiểu tình trạng bỏng, rám, cháy nắng dưới tác hại của UVB.
Kẽm Oxit – ZinC Oxide
Là hợp chất của kẽm, có tác dụng chống nắng phổ rộng, hiệu quả tốt trong cả việc ngăn cản UVA và UVB, bởi vậy ngoài việc giúp hạn chế tình trạng bỏng, rát, sạm, cháy nắng dưới tác dụng của UVB thì Kẽm oxit còn ngăn chặn rất tốt tình trạng xâm nhập của UVA vào lớp trung và hạ bì, bảo vệ collagen, elastin và các cấu trúc tế bào, cấu trúc da bên trong, hạn chế tối đa quá trình lão hóa và những bệnh lý nguy hiểm, điển hình là ung thư da.
Đặc biệt, kẽm oxit còn được biết đến với khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, kiểm soát lượng bã nhờn và làm lành da, bởi vậy đặc biệt thích hợp với các loại da dầu, hỗn hợp thiên dầu và da đang gặp phải tình trạng mụn, viêm, hay trầy xước.
Ưu , nhược điểm của kem chống nắng vật lý
Ưu điểm
Ưu điểm nổi bật nhất của Kem chống nắng sunblock là tính an toàn, sản phẩm phù hợp với hầu hết các loại da, tỷ lệ kích ứng rất thấp, đặc biệt phù hợp với da nhạy cảm, da đang bị kích ứng, hoặc da của trẻ nhỏ.
Hiệu quả chống nắng cao, là kem chống nắng phổ rộng, các thành phần đều có hiệu quả cả với UVA và UVB, điều mà kem chống nắng hóa học không có mà thường phải kết hợp nhiều chất lại với nhau
Kem chống nắng vật lý có thể tồn tại lâu dài trên bề mặt da, một số còn được bọc trong các loại silicon để không thấm vào da, bởi vậy rất an toàn, thời gian tác dụng dài hơn, vững chắc hơn bạn sẽ chỉ cần thoa lại nếu ra ngoài nắng nhiều hoặc hoạt động nhiều gây đổ mồ hôi.
Hiệu quả ngay lập tức sau khi thoa, thường không cần đợi trong một khoảng thời gian dài.
Nhược điểm:
Vì hoạt động bằng cách tạo màng vô cơ bảo vệ, không thẩm thấu nên chất kem thường khá dày đặc, dễ tạo cảm giác bí, rít khi sử dụng. Nếu dùng một số sản phẩm không đảm bảo chất lượng, nhất là thành phần chứa Kẽm Oxit có thể gây bít tắc và gây mụn.
Kem dễ bị trôi khi thời tiết nóng, hoạt động nhiều khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi, hoặc khi tiếp xúc với nước như đi bơi, đi biển.
Không thấm vào da nên hiển nhiên không tiệp màu, thường để lại lớp màu trắng và cũng khó tiệp màu với lớp nền trang điểm, nếu da của bạn sậm màu sẽ rất dễ nhận ra.
Xem thêm: Kem chống nắng hóa học Sunscreen là gì? Sử dụng thế nào cho hiệu quả?
Cách lựa chọn và sử dụng hiệu quả kem chống nắng vật lý

Chọn sản phẩm với chỉ số chống nắng phù hợp
Kem chống nắng sunblock có hiệu quả bảo vệ tốt, tỷ lệ kích ứng thấp, khả năng tác hại và gây độc thấp, là sản phẩm được khuyến nghị sử dụng bởi nhiều tổ chức và bác sỹ da liễu, nhất là với trẻ nhỏ, người có da nhạy cảm, lão hóa hoặc đang gặp phải tình trạng da mụn, viêm, tổn thương bởi vậy trong hầu hết trường hợp bạn đều có thể sử dụng sản phẩm này.
Với những người làm việc ngoài trời, bạn nên sử dụng các sản phẩm với SPF50+ và PA+++. Ngược lại trong văn phòng hoặc tại nhà, bạn chỉ cần dùng ở mức SPF30+ và PA+ là đủ.
Trong trường hợp đặc biệt, khi bạn đang trong quá trình điều trị nám, lão hóa da với những những sản phẩm hoặc công nghệ làm tăng mức độ nhạy cảm của da với ánh nắng, như vitamin C, Retinol, Tretinoin, BHA, AHA, các công nghệ peel da sinh học, chiếu tia lazer.. hãy tham khảo ý kiến của bác sỹ để sử dụng các dòng chống nắng với SPF60-100 để đảm bảo hiệu quả khi dùng.
Với những người thường xuyên hoạt động mạnh, đổ mồ hôi hoặc khi đi biển, đi bơi, các sản phẩm chống trôi sẽ là gợi ý tốt nhất, tuy nhiên những sản phẩm này sẽ dễ tìm kiếm ở dạng kem chống nắng hóa học sunscreen hơn là chống nắng vật lý sunblock.
Cuối cùng, nếu bạn thường xuyên trang điểm, hoặc không thích những vệt trắng để lại trên da, hãy chọn các sản phẩm chứa thành phần nano titanium dioxide hoặc nano zinc oxide để hạn chế tình trạng này. Nên ưu tiên dạng kem hơn dạng xịt nhé, dù sử dụng khó hơn, kết cấu khó tán hơn nhưng hạn chế nguy cơ phơi nhiễm do hít phải các hạt kích thước nano. Còn với sản phẩm không phải dạng nano thì không cần lưu ý này nhé.
Cách sử dụng kem chống nắng vật lý hiệu quả
+ Sử dụng kem chống nắng trong mọi điều kiện thời tiết, vì UVA có thể hoàn toàn xuất hiện vào những ngày mùa đông, trời mưa và cả trong văn phòng làm việc của bạn.
+ Thoa kem chống nắng ở nhiều khu vực, không chỉ mặt mà còn ở cổ, vành tai, chân và tay vì những khu vực này đều có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi UVA và UVB.
+ Thoa kem chống nắng sau khi dưỡng ẩm khoảng 10-15 phút, và trước bước trang điểm.
+ Nếu hoạt động ngoài trời, đổ mồ hôi nhiều hãy sử dụng sản phẩm chống trôi và nên thoa lại sau mỗi 3h để đảm bảo hiệu quả.
+ Ngoài thành phần chống nắng, hãy lưu ý tới những thành phần khác như dưỡng ẩm, chống trôi trong sản phẩm để có được lựa chọn thích hợp nhất cho da.
+ Tuyệt đối không quên bước tẩy trang sau khi dùng, trước khi đi ngủ, hãy ưu tiên các dòng dầu tẩy trang với khả năng làm sạch cao, vì thành phần chống nắng vật lý có thể tích tụ và gây ra tình trạng bít tắc, mụn.
Và một lưu ý nhỏ để trả lời thắc mắc của rất nhiều bạn, đó là khi sử dụng kem chống nắng vật lý, bạn có thể ra nắng ngay sau đó mà không cần chờ thời gian như các dòng hóa học.
Đến đây, hi vọng mọi thắc mắc về bản chất, nguyên tắc hoạt động cũng như những lưu ý trong lựa chọn và sử dụng các dòng kem chống nắng sunblock đã tìm được câu trả lời đúng và đủ nhất.
Đừng quên còn rất nhiều kiến thức, thông tin khác về làm đẹp da và chống nắng sẽ tiếp tục được chia sẻ, cùng tiếp tục theo dõi và đồng hành nhé!