Mụn tuổi dậy thì luôn luôn là nỗi ám ảnh của các bạn trai, bạn gái, nhẹ sẽ khiến bạn cảm thấy mất tự tin, nặng có thể để lại những hậu quả lâu dài như sẹo rỗ, thậm chí khiến da suy yếu, dẫn đến mụn dai dẳng, lão hóa sớm kể cả khi bạn đã qua mức tuổi “teen”.
Vậy nguyên nhân của vấn đề này là gì, làm thế nào có thể điều trị dứt điểm cũng như ngăn chặn sự tái phát của những nốt mụn khó ưa này. Hãy cùng đi tìm lời giải đáp đầy đủ và chi tiết nhất qua bài viết dưới đây cùng Hello!PháiĐẹp nhé
Nguyên nhân gây mụn trứng cá ở tuổi dậy thì

Sự thay đổi của nội tiết tố
Dậy thì là giai đoạn tất cả các cơ quan trong cơ thể đều phát triển và hoàn thiện với tốc độ lớn nhất, điều này có được là bởi sự tác động không nhỏ của các loại hormone, trong đó quan trọng nhất chính là hormone tăng trưởng GH và hormone sinh dục androgen (hormone sinh dục nam) và estrogen, progesterone (hormone sinh dục nữ).
Thực tế, được phân ra nam và nữ, tuy nhiên trong cơ thể của cả 2 giới đều tồn tại song song 2 loại hormone này, có điều ở một tỷ lệ khác nhau mà thôi.
Trong khi đó, hoạt động của tuyến bã nhờn lại phụ thuộc đặc biệt nhiều vào lượng hormone GH và Androgen, sự gia tăng của 2 loại hormone này trong giai đoạn dậy thì sẽ khiến da tiết dầu nhiều hơn.
Vào lúc này, nếu bạn sở hữu làn da khô, da thường thì tình trạng tiết dầu còn có thể kiểm soát, tuy nhiên nếu là da dầu hoặc hỗn hợp thiên dầu thì sẽ dễ dàng gặp phải tình trạng bóng dầu, da có cảm giác dính rất khó chịu.
Môi trường ô nhiễm, vệ sinh da không đảm bảo
Ngoài ra, sự tăng bài tiết của tuyến bã nhờn còn khiến cho lỗ chân lông mở rộng hơn, từ đó khiến cho các loại vi khuẩn, bụi bẩn dễ xâm nhập, kết quả là tạo ra tình trạng bít tắc.
Khi lỗ chân lông bị bít tắc, môi trường dưới lỗ chân lông sẽ bị thiếu oxy, lượng dầu tiết ra cũng không thể thoát ra ngoài mà ứ lại, trở thành môi trường và dinh dưỡng hoàn hảo cho các loại vi khuẩn kỵ khí, gây mụn, đặc biệt là P.acnes.
Kết quả, dưới sự tăng tiết bã nhờn bởi tăng tiết hormone, kết hợp với việc làm sạch da không đảm bảo, môi trường ô nhiễm, nhiều bụi bẩn hóa chất làn da của bạn sẽ rất dễ bị mụn.
Sử dụng mỹ phẩm và chăm sóc da không đúng cách
Bạn sở hữu da dầu nhưng lại thường xuyên sử dụng các sản phẩm, thành phần, hoặc kết cấu cho da khô và ngược lại cũng có thể khiến mụn dễ hình thành hơn.
Việc sử dụng những quy trình dưỡng da không phù hợp có thể dẫn đến tình trạng da yếu đi, dễ nổi mụn.
Những loại mỹ phẩm có chất gây mòn da, teo da, ảnh hưởng đến cấu trúc và lớp bảo vệ da có thể khiến da yếu đi và dễ nổi mụn hơn, thậm chí còn khiến mụn trở nên dai dẳng đến cả khi trưởng thành và già đi.
Và cuối cùng, rất nhiều thành phần trong mỹ phẩm có thể gây bít tắc lỗ chân lông, nếu da bạn thuộc loại dễ nổi mụn hãy tìm hiểu và tránh xa một chút nhé.
Cuối cùng, việc sử dụng các loại mặt nạ thiên nhiên tại nhà nhưng không đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc của các thành phần cũng như vệ sinh khi sử dụng cũng làm tăng nguy cơ bị mụn và khiến tình trạng mụn hiện tại trở nên nặng nề hơn.
Xem thêm: [Quan trọng] Đánh giá mức độ gây bít tắc của các thành phần trong mỹ phẩm
Một số nguyên nhân khác:
Do di truyền: Nếu bố hoặc mẹ bạn từng bị mụn trứng cá thì khả năng cao bạn cũng sẽ gặp phải tình trạng này.
Do quần áo: Quần áo quá chặt, tiếp xúc với da cũng sẽ khiến tình trạng bít tắc lỗ chân lông và mụn trở nên trầm trọng hơn.
Một số trường hợp sử dụng các loại thuốc chữa bệnh sẽ gây nổi mụn khá nghiêm trọng.
Và cuối cùng, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt không khoa học, thường xuyên ăn đồ cay, mỡ thực vật, đồ ăn nhanh kèm theo lười hoạt động, thức khuya sẽ khiến tình trạng mụn trầm trọng hơn.
Các loại mụn thường gặp tuổi dậy thì

Mụn đầu đen:
Đây chính xác là loại mụn thường gặp nhất, ít ảnh hưởng đến ngoại hình nhưng cũng dai dẳng nhất, dễ nặn nhưng cũng rất dễ tái phát
Mụn đầu đen thường xuất hiện ở vùng chữ T, nơi bã nhờn bài tiết mạnh nhất, kích thước của nhân mụn từ nhỏ đến vừa, có đầu lộ ra không khí, bị oxy hóa nên chuyển thành màu đen.
Mụn đầu trắng:
Còn được gọi là mụn cám, có vị trí và kích thước tương tự mụn đầu đen, nhưng trên bề mặt có một lớp da mỏng, nhân mụn ẩn phía dưới không bị oxy hóa nên có màu trắng. Đồng thời đây cũng là mụn rất dễ nặn, nhưng dễ tái phát và có nguy cơ viêm cao hơn.
Mụn ẩn:
Nếu nhân mụn ở quá sâu bạn sẽ không thể thấy trên bề mặt mà chỉ thấy da bị gồ lên, được gọi là mụn ẩn. Loại mụn này rất dễ bị viêm và khó nặn hơn hẳn.
Mụn đỏ:
Là tình trạng mụn mới viêm, có hiện tượng sưng đỏ, kích thước từ nhỏ đến vừa, thường mọc rải rác, không mọc thành cụm. Mụn viêm đỏ đã viêm nên hiển nhiên có sự phá hủy collagen, elastin và để lại sẹo nếu không được chăm sóc và xử lý tốt.
Mụn bọc:
Nặng hơn so với mụn mủ với kích thước mụn to, vùng viêm rộng, bên trong chứa mủ và máu, vết mụn sưng to, lúc đầu không có cồi, khi mụn chín sẽ xuất hiện cồi màu trắng phía trên.
Với kích thước lớn, mụn bọc phá hủy một lượng collagen, elastin đáng kể, chân mụn có thể sâu đến lớp hạ bì, dễ để lại sẹo lớn.
Mụn nang:
Đây là loại mụn có kích thước to nhất có dáng tương tự như một cái nhọt sâu, chứa nhiều mủ và vô cùng đau nhức. Tuy nhiên không phải ai cũng gặp tình trạng này, thường là do di truyền hoặc khi viêm bị bội nhiễm.
Ngoài phân biệt tình trạng mụn viêm hay chưa viêm, thì mức độ viêm cũng quan trọng.
Thông thường mụn viêm nhẹ chỉ xuất hiện từng mục riêng rẽ, nhưng khi ổ viêm lan rộng, xuất hiện tình trạng bội nhiễm mụn sẽ mọc thành từng cụm, gây ra những tổn thương nghiêm trọng hơn và cũng khó điều trị hơn.
Việc xác định được chính xác loại mụn cũng như tình trạng mụn sẽ giúp bạn chọn đúng sản phẩm và tăng cường hiệu quả điều trị.
Qua tuổi dậy thì có hết mụn không?
Đây chắc hẳn là thắc mắc của không ít bạn trong giai đoạn này, và câu trả lời lại phụ thuộc rất nhiều vào việc chăm sóc da và cơ thể của bạn.
Theo đó, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng mụn ở tuổi dậy thì là do sự thay đổi của các loại hormone, mà điển hình là GH và Androgen, khiến bã nhờn tăng tiết, da dễ bít tắc và bị mụn hơn. Bởi vậy, khi bước qua lứa tuổi dậy thì, nội tiết tố được ổn định thì tình trạng mụn của bạn sẽ giảm đi, thậm chí là chấm dứt.
Tuy nhiên, điều này không đúng với tất cả mọi người, theo các nghiên cứu thì có khoảng 30% người không hết mụn sau khi bước qua tuổi dậy thì, thậm chí mụn còn trở nên nặng nề hơn.
Giải thích cho vấn đề này, có rất nhiều nguyên nhân:
+ Thứ nhất, và cũng nan giải nhất là vấn đề về bệnh lý, bao gồm các loại bệnh về buồng trứng, bệnh về tinh hoàn, bệnh về tuyến thượng thận hoặc tuyến yên đều có thể gây ra tình trạng rối loạn hormone, làm mụn nặng hơn.
Cách giải quyết của vấn đề này thì vô cùng nan giải, bạn cần tới các cơ sở y tế để xác định chính xác vấn đề đang gặp phải, từ đó kết hợp song song giữa việc trị mụn và điều trị bệnh lý.
+ Thứ 2 là bởi quá trình chăm sóc da của bạn không đúng cách, có thể là bạn trị mụn không tốt, khiến mụn nặng hơn, lan rộng, bội nhiễm từ đó tái đi tái lại một cách dai dẳng.
Nguyên nhân thứ 2 là bởi trong quá trình trị mụn, bạn lạm dụng các loại thuốc kháng viêm, kháng sinh hoặc nội tiết quá mức, khiến da và các cơ quan trong cơ thể của bạn bị yếu đi, không thể tự phục hồi và tự điều chỉnh.
Một trong những vấn đề nhức nhối nhất mà rất nhiều người gặp phải đó là dùng rượu thuốc với nồng độ cồn cao, kem trị mụn hoặc kem dưỡng có chứa corticoid, tất cả khiến da mỏng đi, teo đi, lớp bảo vệ bị tổn hại nặng nề, khiến da không còn khả năng chống chọi lại vi khuẩn và kết quả là mụn mọc lên rất nhiều và dai dẳng.
Thứ 3, là do loại da, ví dụ như da bạn thuộc loại da dầu thì kể cả có qua tuổi dậy thì da bạn vẫn là da dầu, thường xuyên bóng nhờn và bít tắc, rất dễ nổi mụn.
Và quan trọng là, nếu bạn không biết cách trị mụn, nặn mụn, chăm sóc da sau mụn đúng cách thì dù mụn có biến mất sau tuổi dậy thì hay không thì nó vẫn sẽ để lại những hậu quả lâu dài trên da bạn, đó có thể là tình trạng sẹo rỗ, tình trạng mỏng da, teo da, da lộ mao mạch.
Bởi vậy, những phương pháp và lưu ý khi chăm sóc da là rất quan trọng, dưới đây sẽ chính là những thông tin mà bạn cần nắm được.
Những phương pháp trị mụn trứng cá tuổi dậy thì hiệu quả

Các loại mụn trứng cá rất dễ tái phát, lan rộng và để lại những hậu quả ảnh hưởng đến thẩm mỹ như vết thâm, sẹo, nghiêm trọng hơn là sẹo rỗ và tình trạng mụn dai dẳng, không dứt.
Bằng cách áp dụng những phương pháp dưới đây, bạn sẽ hạn chế được điều này.
Vệ sinh và chăm sóc da mặt đúng cách
Đây là điều những bạn trai, bạn gái và phụ huynh của các bạn luôn phải lưu ý và đặt lên hàng đầu trong quà trình trị và ngăn ngừa mụn dậy thì. Vì sao lại như vậy? Thực tế thì mụn dậy thì là kết quả của sự sản sinh quá mức của tuyến bã nhờn, kết hợp với bụi bẩn, ô nhiễm và tế bào chết mà thôi.
Ngoại trừ những rối loạn liên quan đến bệnh lý, như những bạn nào gặp phải bệnh lý về tuyến thượng thận, tử cung buồng trứng, tinh hoàn thì sự bài tiết của bã nhờn, cũng như tình trạng bít tắc sau đó hoàn toàn có thể kiểm soát qua việc giữ da sạch sẽ, giảm bài tiết dầu, nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe của lớp bảo vệ da.
Theo đó, bước đầu tiên, tùy theo loại da của mình là da thường, da khô hay da dầu hãy lựa chọn cho mình một sản phẩm sữa rửa mặt, tẩy trang thực sự phù hợp.
Theo đó, nếu bạn thuộc loại da dầu, da thường hãy ưu tiên các loại sữa rửa mặt có khả năng hút dầu tốt, thường sẽ là dạng bọt.
Tương tự nếu thuộc loại da thường, da khô, da nhạy cảm hãy chọn sản phẩm làm sạch dịu nhẹ, được bổ sung nhiều chất dưỡng ẩm, có thể dạng sữa để tránh tối đa những tổn thương cho lớp bảo vệ vốn đã khá yếu của bạn.
Bên cạnh sữa rửa mặt, nước tẩy trang cũng là sản phẩm cần thiết để loại bỏ lượng kem chống nắng, son môi hoặc mỹ phẩm trên da của bạn, những thành phần này thường dễ gây bít tắc nên tuyệt đối không để lại trên da trước khi đi ngủ nhé.
Một sản phẩm mà bạn có thể bổ sung nếu có điều kiện, nhất là với các bạn da khô đó là toner, sản phẩm này có tác dụng cấp ẩm nhẹ, đồng thời cân bằng da sau khi rửa mặt, ngăn chặn tiết dầu quá mức.
Tuy nhiên, cũng có một lưu ý, như trước đã nói là cần phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ nhưng vừa đủ để không ảnh hưởng tới lớp bảo vệ của da, cụ thể chính là lớp màng acid với tác dụng khóa ẩm, tạo môi trường pH 5.5 ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn.
Theo đó, bạn nên chọn sản phẩm có khả năng làm sạch địu nhẹ với độ pH cân bằng, sử dụng 2 lần sáng và tối, không rửa quá 3 lần/ ngày, rửa mặt nhiều hoặc chọn sản phẩm tẩy rửa mạnh có thể làm mất hoặc mỏng đi lớp bảo vệ, khiến da bạn trở nên nhạy cảm và dễ nổi mụn hơn.
Bên cạnh việc dùng các sản phẩm làm sạch bạn cũng cần giữ da bằng cách thay ga gối, khẩu trang thường xuyên, nhất là khi đang bị mụn.
Đặc biệt, hãy bỏ ngay thói quen sờ tay lên mặt nếu không muốn tất cả công sức trị mụn và chăm sóc da của bạn mất tác dụng.
Sử dụng sản phẩm trị mụn
Đừng để làn da và hệ miễn dịch của bạn phải làm việc một mình, điều đó có thể khiến cho da yếu đi và mụn ngày càng trở nên nặng nề hơn.
Có rất nhiều sản phẩm có thể hỗ trợ bạn trong quá trình trị mụn, giúp rút ngắn thời gian, tăng cường hiệu quả, ngăn ngừa hậu quả rất nhiều lần.
Với tình trạng mụn nhẹ, mụn chưa viêm, bạn chỉ cần đến các sản phẩm có khả năng loại bỏ tế bào chết, đẩy mụn lên bề mặt, cụ thể chính là AHA, BHA hoặc Retinol, Azelaic acid cũng rất hiệu quả.
Những thành phần này có tác dụng giảm hiện tượng sừng hóa lỗ chân lông, loại bỏ tế bào chết, đồng thời phá hủy những tắc nghẽn trong lỗ chân lông, đẩy những bít tắc trong da lên trên. Điều này không chỉ giúp trị mụn và còn giúp da đẹp hơn, tăng cường khả năng tái tạo mỗi ngày.
Tuy nhiên, với tình trạng mụn của bạn đã chuyển sang quá trình viêm, bạn nên thêm vào quy trình trị mụn những hoạt chất có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm và gom cồi mụn để tình trạng viêm nhanh chóng được giảm đi, hạn chế sẹo, thâm các loại.
Những thành phần nên xuất hiện trong sản phẩm bao gồm Benzoyl peroxide, Lưu huỳnh, Azelaic Acid, Tinh dầu tràm trà.
Xem thêm: Cách chính xác để phân biệt 13 loại mụn trứng cá thường gặp nhất
Đắp mặt nạ thiên nhiên trị mụn tuổi dậy thì
Lưu ý quan trọng: Phương pháp này chỉ hiệu quả nếu bạn đảm bảo 2 yếu tố:
+ Đầu tiên đó là chất lượng của nguyên liệu: Bạn cần đảm bảo rằng tất cả những thành phần bạn sử dụng đảm bảo chất lượng, thành phần, nguồn gốc, không bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.
+ Thứ 2: Cần đảm bảo vệ sinh tay, dụng cụ trong suốt quá trình sử dụng, hạn chế tối đa sự lây lan của vi khuẩn.
Những nguyên liệu mà bạn có thể sử dụng bao gồm:
Tinh dầu tràm trà: Một thành phần có chứa các thành phần tecpen từ lâu đã biết đến với khả năng kháng viêm, kháng khuẩn, được sử dụng đặc biệt phổ biến trong các sản phẩm trị mụn, nấm ngoài da. Bởi vậy bạn có thể thêm thành phần này vào mặt nạ trị mụn tại nhà của mình nhé. Thành phần này còn có thể se khít lỗ chân lông nên sẽ giúp da mịn màng hơn đó.
Tỏi: Với tính kháng khuẩn và chống oxy hóa đặc biệt tốt, một nhánh tỏi đập dập sẽ là cứu cánh cho những nốt mụn đang sưng viêm của bạn. Có thể lúc đầu khi sử dụng, bạn sẽ cảm thấy khá đau rát, khó chịu, tuy nhiên sau đó tình trạng sẽ giảm đi rất nhanh.
Tuy nhiên có một lưu ý là vì tác dụng khá mạnh nên tỏi không phải lựa chọn tốt cho những bạn có làn da nhạy cảm, đồng thời bạn cũng nên chọn loại tỏi không chứa chất bảo quản, tốt nhất là tỏi ta nhánh nhỏ.
Nghệ: Nói đến khả năng chống oxy hóa, kháng viêm và tăng tốc độ tái tạo của da thì chắc chắn không thể thiếu curcumin trong nghệ – một trong những chất chống oxy hóa mạnh mẽ nhất trong tự nhiên.
Trong các loại mặt nạ trị mụn tại nhà bạn nên chọn tinh bột nghệ thay vì nghệ tươi, bởi khả năng thẩm thấu tốt hơn, không để lại vệt vàng và quan trọng là đã loại bỏ một lượng dầu nghệ có thể gây nóng và kích ứng trên da.
Mật ong: Đây là một trong những nguyên liệu làm đẹp rất quen thuộc của chị em phụ nữ, bên cạnh những tác dụng như dưỡng ẩm, chống lão hóa, mật ong còn chứa những thành phần chống oxy hóa, kháng viêm và làm dịu da đặc biệt hiệu quả.
Một lớp mật ong nguyên chất, đảm bảo vệ sinh sẽ giúp nốt mụn sưng đỏ của bạn nhanh chóng được gom cồi và dịu đi rõ rệt.
Nước cốt chanh: Với một lượng rất lớn Vitamin C và các hoạt chất có khả năng kiềm dầu, nước cốt chanh sẽ nhanh chóng giúp bạn loại bỏ đi lớp tế bào chết, bã nhờn trên da, giúp da sạch sâu và ngăn chặn tình trạng bít tắc.
Bởi vậy, nếu da bạn thuộc loại da dầu, hỗn hợp thiên dầu đang bị mụn thì đừng ngại ngần thêm thành phần này vào các loại mặt nạ trị mụn từ thiên nhiên ngay tại nhà nhé.
Nha đam: Kháng khuẩn, kháng viêm, kiềm dầu rồi thì cũng đưng quên bổ sung thành phần cấp ẩm, làm dịu da nhé. Rất nhiều người nói rằng da mụn không nên dưỡng ẩm, điều này hoàn toàn sai vì nếu da bị khô, không đủ nước sẽ yếu đi và tạo cơ hội cho vi khuẩn bùng phát. Bởi vậy da mụn càng nên cấp ẩm, chỉ là cần lựa chọn thành phần cấp ẩm phù hợp mà thôi.
Và nha đam chính là một trong những gợi ý tuyệt vời nhất, với khả năng cấp nước cho da, phần gel bên trong loại thực vật này sẽ giúp da căng mọng, tăng hấp thụ các chất dinh dưỡng khác, giúp da khỏe hơn và có thể tự chống chọi với vi khuẩn gây mụn.
Dầu dừa: Với một lượng lớn các acid béo, dầu dừa là thành phần tuyệt vời giúp làm dịu da, kháng viêm, giảm tình trạng sưng tấy ở nốt mụn.
Không những vậy, monolaurin trong dầu dừa còn có khả năng điều tiết hoạt động của tuyến bã nhờn, một yếu tố quan trọng trong điều trị mụn.
Tuy nhiên cũng có 1 lưu ý, thành phần Lauric Acid trong dầu dừa có khả năng bít tắc da khá cao, bởi vậy sau khi thoa hãy đảm bảo da được làm sạch sâu và đầy đủ các bước nhé.
Ngoài ra, cũng vì những yếu tố trên, dầu dừa phù hợp hơn cho da khô đang bị mụn hơn là da dầu.
Và để việc đắp mặt nạ trị mụn tại nhà hiệu quả hơn, bạn nên kết hợp nhiều thành phần và cần kiên nhẫn thực hiện khoảng 2 lần/ tuần, sau khi hết mụn bạn vẫn hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng vì tất cả những thành phần này đều rất tốt cho da.
Nặn mụn và những lưu ý khi nặn mụn trứng cá ở tuổi dậy thì
Việc có thể loại bỏ những nốt mụn xấu xí, khó chịu trên da quả thực có sức hấp dẫn quá lớn, nhưng rất nhiều trong số các bạn đều không biết là mụn nào có thể nặn, mụn nào không và nặn như thế nào để đúng cách.
Những lưu ý trên rất rất quan trọng, bạn có biết nếu lấy mụn đúng cách có thể giúp bạn loại bỏ hoàn toàn mụn và giảm tình trạng vết thâm đi rất nhiều. Nhưng ngược lại nếu sai cách, sai thời điểm sẽ khiến tình trạng mụn nặng hơn, vi khuẩn lan rộng tạo thành những ổ viêm dẫn đến những tổn thương cũng nặng hơn, dễ để lại những vùng sẹo lớn trên da.
Theo đó, loại mụn mà bạn có thể nặn bao gồm mụn chưa viêm, có thể nhìn rõ nhân như mụn đầu đen, mụn đầu trắng, hoặc mụn viêm đã gom cồi với phần đầu thành màu trắng và tình trạng sưng viêm giảm rõ rệt.
Ngược loại những loại mụn ẩn sâu dưới da, mụn chưa gom cồi hoặc mụn đã gom cồi nhưng vẫn còn sưng viêm thì tuyệt đối không nặn.
Ngoài ra, một số lưu ý trước, trong và sau khi nặn cũng đặc biệt quan trọng để giảm thiểu tối đa những ngoại lực tác động lên da, từ đó hạn chế tổn thương, hạn chế vết thâm hoặc sẹo rỗ sau khi nặn mụn.
Về vấn đề này, Hello!PháiĐẹp đã từng có một bài viết khá chi tiết, bạn có thể tham khảo thêm:
>>Xem thêm: Nặn mụn đúng cách để tránh biến chứng ngay tại nhà
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Một trong những nan giải nhất của mụn chính là tình trạng viêm, cũng như những hậu quả mà nó gây ra cho da, bao gồm sự phân hủy các cấu trúc da như collagen, elastin, các chất ngoại bào, dẫn đến mưng mủ, đau đỏ và cuối cùng là sẹo rỗ.
Để hạn chế tình trạng này, các bạn thường được khuyên là sử dụng các loại mỹ phẩm có chứa thành phần chống oxy hóa với khả năng kháng viêm, trung hòa các gốc tự do gây ra do viêm, đồng thời bảo tồn và tăng cường quá trình sản sinh collagen và elastin.
Tuy nhiên, ngoài thoa trên da, một phương pháp khác cũng hiệu quả không kém, thậm chí còn vượt trội và lâu dài hơn, chính và việc bổ sung những thành phần đó vào chế độ dinh dưỡng.
Các chất chống oxy hóa điển hình có thể kể đến gồm Vitamin C, Vitamin E, Vitamin A (Retinoids), Vitamin nhóm B, các loại acid amin, Acid béo Omega, Curcumin, các loại Tecpen, EGCG
Tất cả những thành phần trên được tìm thấy rất nhiều trong các loại thực vật, bao gồm trái cây, rau xanh, các chiết xuất dầu thực vật, bởi vậy hãy bổ sung ngay những thực phẩm này vào bữa ăn của mình để tăng cường sức khỏe, trung hòa các gốc tự do, chống viêm, ngừa lão hóa cho da và cho toàn bộ cơ thể.
Bên cạnh đó, nếu đang gặp phải tình trạng mụn, nhất là mụn nhiều, dai dẳng bạn cũng nên tham khảo việc bổ sung kẽm vào thực đơn của mình, vì theo các nghiên cứu việc thiếu kẽm có thể khiến mụn trầm trọng hơn.
Kẽm có rất nhiều trong các loại hải sản như tôm, cua, ngao, hoặc các loại thực vật như bí ngô, bí đỏ.
Ngược lại, những thành phần có khả năng tăng tiết dầu, tăng lượng gốc tự do cho cơ thể bao gồm đồ nhiều ngọt, tinh bột, đồ ăn chiên xào quá nhiều dầu mỡ, và đặc biệt là các loại chất kích thích nên được hạn chế, không chỉ vì trị mụn mà còn vì để nâng cao sức khỏe của bản thân.
Một loại thực phẩm bạn cũng cần đặc biệt tránh khi đang bị mụn chính là sữa, vì những dưỡng chất trong đó có thể ảnh hưởng đến nội tiết, khiến tình trạng nặng hơn.
Cuối cùng, đừng quên uống nhiều nước, nước là thành phần quan trọng bậc nhất trong mọi tế bào, thiếu nước mọi hoạt động của cơ thể sẽ gặp vấn đề, và làn da cũng vậy.
Sống một cách khoa học
Tất cả các yếu tố bao gồm giấc ngủ, hoạt động thể dục thể thao và tâm trạng đều ảnh hưởng rất lớn tới hệ thống nội tiết, khả năng trao đổi chất và hoạt động của cơ thể.
Bởi vậy, nếu bạn dùng những sản phẩm trị mụn tốt nhất nhưng lại thức khuya, thường xuyên căng thẳng stress thì chắc chắn hiệu quả sẽ không thể như bạn mong đợi.
Hãy luôn giữ một tâm trạng tốt, việc bị stress sẽ khiến lượng hormone Cortisol tăng tiết, dẫn đến tăng tiết Androgen và khiến trầm trọng thêm tình trạng mụn của bạn
Theo đó, hãy đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc, tốt nhất là trước 10h, tránh việc thức khuya, điều này giúp các cơ quan của bạn được nghỉ ngơi để sẵn sàng hoạt động tốt hơn vào hôm sau, và giảm tình trạng căng thẳng đi rất nhiều.
Thường xuyên vận động, không cần phải tập nặng chỉ cần những bài tập như đi bộ, hay yoga là đủ, điều này không những giúp hệ thống tim mạch hoạt động tốt hơn, mà đồng thời còn sản sinh hormone hạnh phúc, cải thiện tâm lý của bạn.
Và cuối cùng, đừng quên vệ sinh, dọn dẹp không gian sống, các vật dụng cá nhân như chăn, ga, khăn mặt, khẩu trang để giảm tình trạng lây lan của vi khuẩn.
Thăm khám và sử dụng thuốc khi cần thiết

Khi các sản phẩm làm sạch, chăm sóc da và trị mụn không giúp bạn kiểm soát tình hình, mụn ngày càng nặng, lan rộng và bắt đầu xuất hiện những ổ viêm bội nhiễm thì đừng chần chờ gì, hãy tới ngay các cơ sở chuyên khoa da liễu để được thăm khám và hướng dẫn điều trị bởi bác sĩ.
Lúc này, bạn có thể sẽ cần sử dụng một số loại thuốc, lưu ý là những loại thuốc này sẽ có thể mang tới một số tác dụng phụ, bởi vậy hãy tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sỹ.
Thuốc kháng sinh: Bạn có thể sử dụng thuốc kháng sinh bôi tại chỗ hoặc thuốc uống toàn thân để ức chế các loại vi khuẩn gây mụn, giúp giảm tình trạng mụn. Hãy thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sỹ tránh tình trạng kháng thuốc khiến mụn mọc lại và khó chữa hơn.
Thuốc kháng viêm: Có rất nhiều thành phần thuốc có khả năng kháng viêm, nghĩa là ức chế tình trạng viêm gây ra bởi hệ miễn dịch, từ đó giảm sưng, đau và mủ. Tuy nhiên nếu sử dụng không đúng cách có thể ảnh hưởng lớn tới hệ miễn dịch và tuyến thượng thận, hãy làm đúng theo chỉ dẫn của bác sỹ.
Thuốc chứa dẫn xuất của Vitamin A: Điển hình nhất chính là isotretinoin hoặc adapalene dạng bôi, có tác dụng thúc đẩy tế bào da thay mới, ngăn chặn quá trình sừng hóa lỗ chân lông, giảm kích thước tuyến dầu, từ đó giảm mụn rất nhanh và hiệu quả.
Tuy nhiên, loại thuốc này cũng mang đến những tác dụng phụ không hề nhỏ bao gồm khô da, khô mắt, rụng tóc, viêm môi. Ngoài ra, vì là dẫn xuất của Vitamin A nên tuyệt đối không sử dụng cho phụ nữ mang thai hoặc đang có ý định mang thai. Hiển nhiên, trong độ tuổi dậy thì thì tỷ lệ này khá thấp, nhưng đây cũng là một lưu ý quan trọng với bất cứ ai trước khi dùng Vitamin A.
Thuốc nội tiết: Nếu tình trạng mụn của bạn bùng phát bởi hệ thống nội tiết rối loạn quá mức thì bạn có thể được kê các các loại thuốc nội tiết như Levonorgestrel, Ethinylestradiol giúp cân bằng các hormone trong cơ thể, giảm hoạt động bài tiết dầu thừa quá mức và làm giảm các nốt mụn trứng cá.
Tuy nhiên, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nội tiết khi không được hướng dẫn của bác sĩ, nhất là bạn còn ở độ tuổi dậy thì khi các cơ quan sinh sản đang dần hoàn thiện.
Qua bài viết, hi vọng rằng, những bạn trai, bạn gái đang gặp phải tình trạng mụn ở tuổi dậy thì có thể hiểu rõ về nguyên nhân cũng như đủ kiến thức để đánh giá tình trạng mụn và tự xây dựng cho mình chế độ chăm sóc da, dinh dưỡng và sinh hoạt phù hợp nhất.
Đừng quên còn rất nhiều kiến thức, thông tin khác về làm đẹp da và trị mụn sẽ tiếp tục được chia sẻ, cùng tiếp tục theo dõi và đồng hành nhé!