Nặn mụn luôn là con dao hai lưỡi, có thể giúp bạn loại bỏ những bít tắc trên da từ đó trị mụn hoàn toàn, nhưng ngược lại cũng có thể gây ra những tổn thương sâu dưới da, để lại sẹo và khiến vi khuẩn lây lan, gây bội nhiễm và khiến mụn bùng phát khó kiểm soát hơn.
Bởi vậy, những lưu ý cũng như quy trình nặn mụn đúng cách là điều bạn cần thuộc nằm lòng nếu muốn có được hiệu quả như mong muốn, và bài viết dưới đây của Hello!PháiĐẹp sẽ là lựa kiến thức dành cho bạn.
Lưu ý trước khi nặn mụn

Mụn có thể nặn
Bạn chỉ được phép nặn những vết mụn mà đầu mụn đã lộ rõ nên trên, bao gồm các loại mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn ẩn , sợi bã nhờn , với những loại mụn viêm như mụn đỏ, mụn mủ, mụn bọc chỉ nặn khi đã được gom cồi, tình trạng sưng đỏ đã giảm nhiều với phần đầu mủ trắng đã trồi rõ trên bề mặt.
Mụn KHÔNG thể nặn
Tuyệt đối không nặn những vết mụn ẩn, có thể sờ thấy nhưng đầu mụn chưa được đẩy lên bề mặt, lúc này bạn nên tiếp tục sử dụng những sản phẩm có tác dụng tẩy tế bào chết, giảm sừng hay kích thích tế bào da mới phát triển để nhân mụn nhanh chóng được đẩy lên bề mặt.
Tương tự như vậy, những vết mụn viêm nhưng đang sưng đỏ, đặc biệt là những nốt mụn chưa gom cồi. Khi nặn những loại mụn này có thể bạn không thể loại bỏ được cồi mụn, hoặc không hết, dễ khiến mụn tái phát.
Không những vậy, khi nặn các loại mụn này, bạn thường tác dụng một lực rất lớn và sâu vào trong da, phá hỏng những liên kết bên trong, làm tăng nguy cơ hình thành sẹo, đồng thời khiến cho vi khuẩn có điều kiện để lây lan.
Ngoài ra, bạn cũng không nên nặn các loại mụn xuất hiện ở những khu vực nguy hiểm như khóe mắt, quanh miệng, trên môi. Những vùng này là nơi tập trung rất nhiều dây thần kinh, nếu nặn có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nên chăm sóc để mụn xẹp dần, chín hẳn và tự rụng khi rửa mặt, hoặc chỉ cần một lực nhẹ nhất có thể.
Cuối cùng, bạn tuyệt đối không nặn những loại mụn có xu hướng ác tính, như mụn to, sưng đau, kèm theo tình trạng ốm, sốt.
Quy trình nặn mụn đúng cách

Chuẩn bị
Trước khi nặn mụn, bạn nên chuẩn bị tất cả những sản phẩm, dụng cụ cần thiết bao gồm:
– Chuẩn bị những nguyên liệu để xông hơi trước khi nặn mụn khi cần: Nồi xông, khăn xông hơi, chanh, sả, tinh dầu tràm trà, lá chè xanh…
– Mỹ phẩm cần thiết: Sữa rửa mặt, tẩy trang, tẩy tế bào chết, mặt nạ trị mụn, toner dưỡng ẩm nhẹ, miếng dán mụn.
– Dụng cụ khác: Dụng cụ nặn mụn, Bông tẩy trang, Cồn tiệt trùng, Nước muối sinh lý, Găng tay y tế, Nước rửa tay tiệt trùng.
Quy trình nặn mụn
Bước 1: Tiệt trùng những dụng cụ nặn mụn với cồn trong khoảng 20-30 phút trước khi nặn mụn.
Bước 2: Chuẩn bị nguyên liệu, và đun nước để xông hơi, nếu bạn sử dụng máy xông hơi vẫn cần đun nước với các nguyên liệu trước khi đổ vào máy.
Bước 3: Làm sạch da: Tẩy trang cẩn thận, sử dụng sữa rửa mặt, nên chọn loại làm sạch vừa phải, làm sạch quá có thể khiến da trở nên nhạy cảm.
Bạn có thể xem xét tẩy da chết vật lý nhẹ nhàng để việc xông hơi hiệu quả hơn, gợi ý là các loại tẩy da chết cho da nhạy cảm.
Bước 4: Xông hơi: Việc xông hơi là rất cần thiết trong quy trình nặn mụn vì có thể giúp cho lỗ chân lông mở rộng hơn, đẩy nhân mụn lên phía trên bề mặt, từ đó bạn chỉ cần tác động một lực nhỏ nhất để có thể lấy nhân mụn ra.
Bạn nên thực hiện khi nước nóng già, với thời gian 5-10 phút tùy theo từng tình trạng da. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết chi tiết dưới đây để có thêm thông tin chi tiết:
>> Chi tiết tại: Xông hơi trị mụn: Tác dụng và cách thực hiện đúng chuẩn ngay tại nhà
Bước 5: Nặn mụn
Nguyên tắc khi nặn mụn là bạn cần ngăn chặn tối đa nguy cơ lây lan của vi khuẩn, đồng thời hạn chế lực tác động trên da để giảm tổn thương.
Bởi vậy, hãy mang găng tay y tế, tiệt trùng với nước tiệt trùng để làm sạch. Tiếp theo dùng các dụng cụ lấy mụn phù hợp đã được tiệt trùng, điều này sẽ giảm áp lực lên da hơn khá nhiều so với dùng tay.
Với những nốt mụn bọc, bạn có thể dùng đầu nhọn của que lấy mụn để làm rách lớp màng bên trên giúp phần nhân được lấy ra dễ dàng hơn.
Luôn luôn sử dụng bông tẩy trang thấm nước muối sinh lý để tiệt trùng khi nặn mụn để ngăn chặn tình trạng lây lan của vi khuẩn.
Bước 6: Chăm sóc da sau khi nặn mụn
Sau khi nặn mụn da của bạn sẽ đặc biệt nhạy cảm, việc chăm sóc da đúng cách lúc này sẽ giúp bạn hạn chế tối đa nguy cơ hình thành sẹo rỗ và sẹo thâm.
Theo đó, sau khi nặn mụn, không nên sử dụng sữa rửa mặt vì có thể gây châm chích, thay vào đó, hãy rửa mặt với nước muối sinh lý. Sau đó, bạn có thể dùng các loại mặt nạ có tác dụng trị mụn với thành phần như Trà xanh, tràm trà.
Sau bước làm sạch, bạn nên cấp ẩm da nhẹ nhàng với toner, với những nốt mụn vừa nặn, đặc biệt là nốt mụn viêm, bạn nên tiếp tục sử dụng những sản phẩm chấm mụn để tiêu diệt lượng vi khuẩn gây mụn còn lại, tránh sự tái phát và lây lan.
Sau đó, tốt nhất bạn nên sử dụng miếng dán mụn, vì điều này giúp ngăn chặn tối ưu sự tiếp xúc của nốt mụn với môi trường, vi khuẩn bên ngoài, đồng thời cung cấp cho da một độ ẩm phù hợp để tái tạo.
Nếu không có miếng dán mụn, hãy đảm bảo cung cấp độ ẩm vừa phải cho da, không để da bị khô, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng tái tạo và làm lành của da. Có thể sử dụng những sản phẩm có thành phần giảm thâm hoặc giúp thúc đẩy lành da như Curcumin, Niacinamide Hyaluronic aicd, Glycerin, Ceramides
Xem thêm: [Review] TOP 20 loại kem trị mụn hiệu quả tốt nhất hiện nay
Một số lưu ý khi nặn mụn
Trong ngày nặn mụn, bạn không nên dùng những thành phần như AHA/BHA/ Retinol hay kem dưỡng quá nhiều dưỡng chất, có thể khiến da bị kích ứng hoặc bít tắc. Chỉ cần giữ da sạch, cấp ẩm đầy đủ, bổ sung các thành phần kháng viêm vào những nốt nặn mụn là đủ.
Bạn cũng tuyệt đối không nên đắp các loại mặt nạ tự làm tại nhà sau khi nặn mụn vì có thể không đảm bảo vệ sinh, bị nhiễm khuẩn khiến mụn bùng phát trở lại và nặng hơn.
Sau khi nặn mụn, bạn nên ở trong nhà, cũng không nên dùng kem chống nắng khi không cần thiết. Nhưng nếu phải ra ngoài thì nhất định phải chống nắng và dùng khẩu trang che chắn thật tốt cho da.
Tuyệt đối không sờ tay nên mặt, trước khi dùng mỹ phẩm cần tiệt trùng với nước rửa tay để tránh sự lây lan của vi khuẩn.
Và cuối cùng, hãy nhớ uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây và các loại thịt cá để đẩy nhanh quá trình làm lành của da nhé.
Xem thêm: Uống gì để hết mụn? TOP 12 loại sinh tố nước ép tốt nhất
Đến đây hi vọng rằng bạn đã có thể nắm được tất cả những lưu ý quan trọng cũng như quy trình nặn mụn chuẩn nhất để có thể loại bỏ nhanh chóng những nốt mụn và giảm thiểu tối đa những tổn thương trên da
Đừng quên còn rất nhiều kiến thức, thông tin khác về làm đẹp da và trị mụn sẽ tiếp tục được chia sẻ, cùng tiếp tục theo dõi và đồng hành nhé!