Octocrylene là một trong những thành phần mà bạn có thể bắt gặp trong các sản phẩm kem chống nắng hóa học hoặc lai giữa vật lý và hóa học, với những thông tin như khả năng chống tia cực tím tốt, phổ rộng, nhưng mang tới khá nhiều tác hại.
Vậy thực hư của những thông tin này như thế nào, có những quy định gì trong việc sử dụng hoạt chất này? Hãy cùng giải đáp tất cả những câu hỏi trên với bài viết dưới đây cùng Hello!PháiĐẹp nhé!
Octocrylene là gì? Tác dụng trong mỹ phẩm

Octocrylene là hợp chất hữu cơ, 1 dẫn xuất của Benzophenone, ở dạng lỏng, sền sệt, tan trong dầu và không màu, còn có một số tên gọi 2-ethylhexyl-2-cyano-3, 3-diphenylacrylate.
Tác dụng của Octocrylene là chất ổn định, đồng thời có khả năng chống nắng, bởi vậy, đây là thành phần có thể thấy trong các sản phẩm chống nắng và nhiều dòng khác như kem dưỡng, keo xịt tóc, dầu tannin, kem BB, dầu xả và kem CC và nhiều sản phẩm khác.
Cụ thể, Octocrylene là một bộ lọc UVB và UVA, giúp giảm ảnh hưởng của các loại tia cực tím này lên da, ngăn chặn tình trạng viêm, tổn thương tế bào và các cấu trúc DNA, cấu trúc collagen, elastin, giảm tình trạng tăng sinh Melanin,, từ đó giảm tình trạng sạm, lão hóa da.
Tuy hiệu quả chống nắng khá thấp, nhưng không giống như những thành phần chống nắng hóa học khác thường kém bền, Octocrylene lại rất bền nên có tác dụng rất tốt trong việc ổn định và cải thiện mức độ phủ da của các thành phần chống nắng khác, bởi vậy thường được kết hợp với Avobenzone để tăng hiệu quả.
Ngoài ra, hóa chất này còn hoạt động như một chất làm mềm, tăng khả năng hydrat hóa tế bào, bởi vậy khi sử dụng cũng sẽ giảm nguy cơ khô da, giảm tỷ lệ kích ứng.
Một ưu điểm khác là Octocrylene có khả năng kết hợp với nhiều loại dầu khác nên được dùng như một chất nhũ hóa, giúp giữ ổn định và hòa trộn những thành phần khác. Đây chính là lý do các sản phẩm chống nắng hóa học có chứa Octocrylene, thường được bổ sung nhiều tác dụng khác.
Xem thêm: Kem chống nắng vật lý và hóa học, lựa chọn nào phù hợp nhất cho bạn?
Tác hại của Octocrylene
Tác dụng phụ của các thành phần chống nắng hóa học luôn là mối quan tâm và lo lắng của đa số khách hàng, vậy Octocrylene có gây độc hại cho da không?
Điều quan trọng nhất để đánh giá chính là khả năng hấp thụ của Octocrylene qua da. Theo đó, một nghiên cứu dựa trên phương pháp xét nghiệm nước tiểu người dùng được trung tâm Kiểm Soát Và Phòng Ngừa Dịch Bệnh tiến hành vào năm 2008 trên phạm vi toàn quốc cho thấy có mặt các hợp chất hóa học trong 96.8% mẫu nước tiểu của người được khảo sát.
Với kết quả này, chứng tỏ Oxybenzone có thể hấp thụ qua da, nhất là với những sản phẩm sử dụng trong thời gian dài, lặp đi lặp lại nhiều lần.
Về tác hại, khi thâm nhập qua da, Octocrylene sẽ làm tăng nguy cơ hình thành các gốc tự do, từ đó gián tiếp gây ra lão hóa da, lão hóa cơ thể và tổn thương DNA làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư da, u hắc tố ác tính, làm suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ bị mụn, viêm và nhiều bệnh da liễu khác.
Chính vì vậy, Octocrylene được khuyến cáo không sử dụng cho trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú, còn với những sản phẩm khác, qua rất nhiều nghiên cứu các cơ quan đã đưa ra những quy định và khuyến cáo cần thiết.
Cụ thể, tại Mỹ Octocrylene đã được FDA đánh giá và được coi là an toàn với nồng độ tối đa 10%, tại Canada là 12%, nồng độ khuyến nghị trong mỹ phẩm là 3%.
Xem thêm: Tinosorb là gì? Hiệu quả và những lưu ý sử dụng để chống nắng hiệu quả
Xem thêm: Uvinul A + và Uvinul T 150 – Hoạt chất chống nắng hóa học thế hệ mới cho da
Đến đây, hi vọng rằng bạn đã có thể nắm được tác dụng, hiệu quả cũng như vai trò của thành phần Octocrylene trong các sản phẩm chống nắng để có lựa chọn phù hợp nhất nhé.
Đừng quên còn rất nhiều kiến thức, thông tin khác về làm đẹp da và chống nắng sẽ tiếp tục được chia sẻ, cùng tiếp tục theo dõi và đồng hành nhé!