Kem chống nắng là vật bất ly thân của mọi cô gái, nhất là trong những ngày hè với cường độ nắng cao và nguy hiểm. Trong hàng ngàn sản phẩm chống nắng trên thị trường hiện này, tất cả đều có thể quy về chống nắng vật lý, chống nắng hóa học. Vậy ưu nhược điểm của mỗi sản phẩm này là gì và căn cứ vào đầu để có được lựa chọn thích hợp nhất?
Hãy cùng Hello!PháiĐẹp phân biệt và tìm hiểu những ưu, nhược điểm riêng biệt của mỗi dòng sản phẩm này từ đó tìm ra lựa chọn thích hợp nhất qua bài viết dưới đây nhé!
Các loại kem chống nắng: Phân loại và ưu nhược điểm

Kem chống nắng vật lý
Là loại kem chống nắng sử dụng những thành phần khoáng chất tự nhiên có khả năng phản xạ ánh sáng mặt trời, ngăn chặn sự tiếp xúc giữa da với các tia UV , ngăn ngừa hình thành Melanin và bảo vệ lượng collagen, elastin và nguyên bào sợi bên trong lớp trung bì, từ đó bảo vệ da khỏi tác hại và những vấn đề như bỏng, sạm, nám, lão hóa và các bệnh lý về da.
Kem chống nắng vật lý thường có 2 thành phần chính là Titanium Dioxide và ZinC Oxide, với nồng độ tốt nhất khoảng 10-20%
Ưu điểm
Hiệu quả chống nắng rất tốt, cả 2 thành phần trên đều có khả năng chống nắng phổ rộng có thể ngăn cản cả UVA và UVB. Ngoài ra ZinC Oxide còn có tác dụng giảm mụn.
Sản phẩm tạo ra lớp màng bên trên, hầu như không thẩm thấu vào da nên tỷ lệ kích ứng thường rất thấp, lành tính, có thể dùng cho da nhạy cảm, da trẻ nhỏ.
Vì không cần thẩm thấu qua da nên bạn có thể ra ngoài ngay sau khi thoa.
Bền dưới ánh nắng mặt trời, không gây ra những phản ứng hay sự phân rã ảnh hưởng đến làn da, cũng ít khi phải thoa lại trừ khi bạn vận động nhiều, ra mồ hôi hoặc tiếp xúc với nước.
Nhược điểm
Kết cấu của kem chống nắng vật lý thường dày, khi thoa lên da sẽ để lại một lớp màu trắng khá rõ, nhất là khi da bạn không được sáng màu, gây mất thẩm mỹ, đồng thời tăng nguy cơ bít tắc lỗ chân lông.
Vì kết cấu kem dày nên cũng khó thêm vào những thành phần dưỡng ẩm, chống lão hóa, so với các dòng hóa học thì đây có thể xem là một nhược điểm.
Kém bền trong nước, nhanh trôi, nếu là sản phẩm thuần vật lý thì lại khó thêm các thành phần kháng nước.
Kem chống nắng hóa học
Là loại kem sử dụng các chất có khả năng phân hủy một phần năng lượng của các tia UV thành nhiệt, biến chúng thành các loại tia với năng lượng thấp hơn trước khi nó tiếp xúc với da, tạo thành một màng lọc tia UV, còn được gọi là sunscreen.
Các thành phần chống nắng hóa học phổ biến bao gồm: avobenzone, octinoxate, octocrylene, octyl salicylate.
Ngoài ra, hiện có khá nhiều thành phần chống nắng mới được đưa ra như Tinosorb, Uvinul (A+ hoặc T150), nhưng thành phần này thường được dùng trong sản phẩm của Châu Á, Châu Âu, chưa được cấp phép tại Mỹ.
Ưu điểm:
Kết cấu mỏng nhẹ, thấm nhanh vào da, khô thoáng, không gây bóng dầu và không để lại lớp màu ở trên da.
Có khả năng hòa tan rất nhiều dưỡng chất khác, giúp bổ sung nhiều tác dụng cho kem chống nắng như dưỡng ẩm, chống oxy hóa, makeup, hoặc tạo ra những sản phẩm chống nắng chịu nước.
Nhược điểm:
Không giống những thành phần chống nắng vật lý chỉ nằm trên bề mặt, tạo một lớp phản xạ ánh nắng, các chất chống nắng hóa học cần hấp thụ vào trong da, điều này khiến cho tỷ lệ kích ứng bị tăng lên, nhất là với da nhạy cảm, da trẻ nhỏ, và không phù hợp cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.
Ngoài ra, bạn cũng cần đợi 15-20 phút sau khi thoa thì mới có thể ra ngoài.
Nhược điểm lớn nữa là những thành phần này không bền khi tiếp xúc với nắng, mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu để khắc phục vấn đề này nhưng bạn vẫn cần thoa lại sau 2-3 tiếng để đảm bảo hiệu quả.
Đặc biệt vì có khả năng phân rã một phần năng lượng của tia cực tím về dạng nhiệt, bởi vậy kem chống nắng vật lý có thể làm tăng nhiệt độ da, khiến da đỏ hơn và dễ xuất hiện những vết đốm nâu trên da.
Kem chống nắng vật lý lai hóa học
Qua những thông tin trên có thể thấy rằng, nếu có thể kết hợp các ưu điểm của chống nắng vật lý và chống nắng hóa học chúng ta sẽ có được những sản phẩm hoàn hảo, và đó chính là những dòng sản phẩm “con lai” đã được ra đời.
Những sản phẩm này có chứa cả thành phần chống nắng vật lý và hóa học nhằm bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV, song song với đó là tận dụng mọi ưu điểm khác của cả 2 dạng bao gồm thẩm thấu nhanh, không bết dính, vệt trắng để lại ít, ít gây kích ứng, có thể hòa trộn thêm nhiều thành phần để mang tới tác dụng bổ sung cần thiết cho sản phẩm như kháng nước, trị mụn, dưỡng ẩm…
Cách lựa chọn đúng loại kem chống nắng cho bạn
Lựa chọn theo loại da và tình trạng da
+ Da thường, da dầu, da hỗn hợp thiên dầu:
Với loại da này bạn có thể chọn bất kỳ loại kem chống nắng vật lý hay hóa học đều được, vì loại da này thường khỏe, ít bị kích ứng.
Điều bạn cần quan tâm chính là khả năng kiểm soát dầu, hoặc không làm tăng sự bài tiết dầu với những thành phần như niacinamide. Đồng thời cũng tránh những dòng có kết cấu quá đặc dễ gây bít tắc, gây mụn.
+ Da khô, da hỗn hợp thiên khô
Với da khô, lựa chọn phù hợp nhất dành cho bạn là dòng chống nắng vật lý và chống nắng lai giữa vật lý, hóa học, đặc biệt còn cần bổ sung nhiều thành phần giúp cấp nước, dưỡng ẩm, tạo lớp màng chống tình trạng mất nước trên da như glycerin, hyaluronic acid, ceramide, các loại dầu như squalane.
+ Da nhạy cảm, da đang bị kích ứng
Da nhạy cảm rất dễ bị kích ứng với những thành phần hóa học tiếp xúc với da, bởi vậy gợi ý cho bạn là dòng chống nắng vật lý, hoặc thiên vật lý, đồng thời cần bổ sung các chất có khả năng làm dịu da, giảm kích ứng như niacinamide, chiết xuất hoa cúc, chiết xuất trà xanh…
+ Da thường xuyên bị ửng đỏ: Thường gặp nhất là người bị Rosacea, da bị viêm da cơ địa thì nên chọn chống nắng thiên vật lý, vì khả năng phân hủy năng lượng tia UV thành nhiệt sẽ làm tăng tình trạng này.
+ Da mụn: Tốt nhất là chọn các sản phẩm chống nắng vật lý, thiên vật lý có chứa ZinC Oxide, bổ sung các thành phần làm dịu như Niacinamide thì càng tốt hơn.
+ Da trẻ nhỏ: Lựa chọn tốt nhất là các sản phẩm chống nắng vật lý vì mức độ an toàn của nó, và thường gặp nhất chính là Titanium Dioxide.
+ Phụ nữ mang thai và cho con bú: Hầu hết các thành phần chống nắng hóa học đều không được khuyến khích sử dụng trong giai đoạn này, gợi ý cho bạn là những sản phẩm có chứa Titanium Dioxide và ZinC oxide. Tuy nhiên luôn lưu ý tham khảo ý kiến của bác sỹ trước khi dùng.
Lựa chọn theo nhu cầu

+ Kem chống nắng chịu nước
Đây là lựa chọn dành cho những bạn thường xuyên tiếp xúc với nước như khi đi bơi, đi biển, hoặc hoạt động nhiều gây ra mồ hôi.
Cách nhận biết các sản phẩm này có thể là dòng chữ “Water Resistant” trên bao bì, hoặc bạn có thể tìm thấy các hóa chất chất silicon không bay hơi, các chất hóa dầu như mineral oil, hoặc các chất có nguồn gốc tự nhiên như sáp ong (beeswax) hoặc sáp dâu (berry wax) trong bảng thành phần.
Tuy nhiên trong những trường hợp khác không nên sử dụng những sản phẩm này vì có thể làm tăng tỷ lệ bít tắc lỗ chân lông.
+ Kem chống nắng khi trang điểm
Nếu bạn thường xuyên makeup thì các loại kem chống nắng thiên hóa học sẽ phù hợp hơn, bởi lẽ nó không để lại vệt trắng làm ảnh hưởng đến lớp nền và màu sắc của da, lại dễ dàng thêm vào những thành phần, nên rất thường xuyên được dùng thay kem lót.
Lựa chọn dựa vào chỉ số chống nắng
Bao gồm SPF và PA, nếu bạn chỉ tập trung vào 1 trong 2 chỉ số đó thì đều là sự sai sót, vì SPF phản ánh khả năng chống UVB là chủ yếu, còn PA ứng với tia UVA, trong khi để bảo vệ da chúng ta cần chống lại cả 2 loại tia này.
Bởi vậy, dù sản phẩm bạn chọn là chống nắng vật lý, chống nắng hóa học hay lai giữa 2 dòng đó thì vẫn cần đảm bảo nó là chống nắng phổ rộng, chống được cả UVA và UVB.
+ Nếu bạn làm việc trong văn phòng hoặc trong nhà, bạn chỉ cần tới những sản phẩm có chỉ số SPF 30 hoặc SPF 35, PA++ là phù hợp nhất.
+ Nếu bạn làm việc ngoài trời, bạn nên sử dụng bạn nên sử dụng các sản phẩm với SPF50+ và PA+++, ngoài ra, lúc này những sản phẩm chống nắng vật lý hoặc thiên vật lý sẽ phù hợp hơn vì tính bền dưới ánh nắng mặt trời.
+ Trong trường hợp đặc biệt, khi bạn đang trong quá trình điều trị nám, lão hóa da với những những sản phẩm hoặc công nghệ làm tăng mức độ nhạy cảm của da với ánh nắng, như vitamin C, Retinol, Tretinoin, BHA, AHA, các công nghệ peel da sinh học, chiếu tia lazer… hãy tham khảo ý kiến của bác sỹ để sử dụng các dòng chống nắng với SPF60-100 để đảm bảo hiệu quả khi dùng.
Lưu ý khi sử dụng kem chống nắng
Trong quy trình skincare, chống nắng là bước cuối cùng, sau dưỡng ẩm và trước trang điểm, chờ khoảng 15 phút trước khi thoa.
Với kem chống nắng hóa học, hoặc lai giữa hóa học và vật lý hãy thoa trước khi ra nắng 15-20 phút, kem chống nắng vật lý thì không.
Sử dụng kem chống nắng với lượng khoảng ¼ teaspoon (kích cỡ 1 đồng xu) mới đủ để che phủ và phát huy hiệu quả.
Thoa lại kem sau 2h nếu là kem chống nắng hóa học, thiên hóa học, thoa lại trước khi ra ngoài trời nếu là kem chống nắng vật lý.
Thoa kem chống nắng mỗi ngày, bất kể điều kiện thời tiết, thoa trên vùng mặt, cổ, toàn thân, nhất là những khu vực thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng, đặc biệt lưu ý khi bạn sử dụng các sản phẩm chứa AHA, BHA, Retinol, sản phẩm trị mụn, nám, hoặc kháng sinh. Nên chọn kem chống nắng riêng cho mặt và body.
Luôn tẩy trang cẩn thận sau khi dùng kem chống nắng để hạn chế tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông.
Kem chống nắng không thể đảm bảo loại bỏ 100% tác hại của ánh nắng mặt trời, đây chỉ là biện pháp bảo vệ, bởi vậy điều quan trọng hơn là hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, sử dụng thêm các phương pháp khác như mặc áo chống nắng, đội mũ, đeo kính.
Và lưu ý cuối cùng, hãy thường xuyên bổ sung các thực phẩm, thực phẩm chức năng có khả năng chống oxy hóa để trung hòa gốc tự do sinh ra dưới tác dụng của tia UV, bảo vệ da từ bên trong.
Việc kết hợp sử dụng kem chống nắng với các phương pháp bảo vệ da truyền thống như: Mặc quần áo chống nắng, đội nón rộng vành, đeo kính râm sẽ giúp bạn an tâm hơn khi làn da được bảo vệ tối ưu, hạn chế hết mức khả năng gây hại cho da từ tia cực tím, từ đó da cũng trắng sáng và tươi trẻ hơn.
Đến đây, hi vọng rằng những thắc mắc của bạn liên quan đến việc phân biệt và phân vân lựa chọn giữa kem chống nắng vật lý, hóa học đã tìm được câu trả lời phù hợp nhất.
Đừng quên còn rất nhiều kiến thức, thông tin khác về làm đẹp da và chống nắng sẽ tiếp tục được chia sẻ, cùng tiếp tục theo dõi và đồng hành nhé!