Tia UV – Tia cực tím – Tia tử ngoại là một trong 3 thành phần chính của ánh nắng mặt trời. Mặc dù mắt thường không thể nhận biết, nhưng tác hại của tia UV lên da, lên mắt và lên cơ thể là rất lớn!
Hôm nay hãy cùng Hello!PháiĐẹp tìm hiểu kỹ càng cũng như giải thích vì sao các bác sỹ luôn khuyên bạn nên sử dụng kem chống nắng để ngăn ngừa lão hóa và tổn thương da, kể cả trong những ngày trời râm nhé!
ĐỌC TIẾP: Da bị cháy nắng đen sạm phải làm sao? 5 cách chữa cháy nắng nhanh nhất tại nhà
ĐỌC TIẾP: Điểm danh 6 tác dụng của kem chống nắng để hiểu tại sao nên bôi hàng ngày
Tia UV là gì?

Ánh sáng mặt trời gồm có 3 phần chính, tia hồng ngoại, ánh sáng nhìn thấy và tia tử ngoại hay tia UV, tia cực tím.
Theo đó tia UV, là bước sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn so với ánh sáng nhìn thấy, dài hơn so với tia X, phổ của tia UV được chia thành 2 vùng: Vùng tử ngoại gần với bước sóng 380 – 300 nm và vùng tử ngoại xa( tử ngoại chân không) có bước sóng 200-100nm.
Nguồn cấp tia UV lớn nhất chính là ánh nắng mặt trời, ngoài ra trong tia ánh sáng của đèn huỳnh quang cũng có chứa một lượng nhỏ quang phổ tia cực tím.
Để đánh đánh giá mức độ nguy hại của tia UV người ta sẽ căn cứ vào khả năng xuyên thấu và tác động đến từng lớp da và chia ra làm 3 loại là tia UVA, UVB, UVC.
Việc phân loại này cũng là căn cứ để bạn đánh giá cũng như lựa chọn sản phẩm chống nắng phù hợp.
Khi xét đến khía cạnh sự ảnh hưởng của tia UV đến sức khỏe con người và môi trường, người ta chia thành 3 loại: Tia UVA còn được gọi là sóng dài hay ánh sáng đen, tia UVB gọi là sóng trung, tia UVC gọi là sóng ngắn hay sóng có tính tiệt trùng. Cụ thể về từng loại tia UV như sau:
Tia UVA – Sóng dài
UVA chiếm tới 95% UV có trong ánh sáng mặt trời, có bước sóng dài 320-400nm.
Đặc điểm nổi bật của tia UVA là có khả năng đâm xuyên rất lớn, đi qua tầng khí quyển, lớp mây mù, quần áo và cửa kính trong suốt thông thường.
Khi tiếp xúc với da, UVA có khả năng đi qua lớp biểu bì, ảnh hưởng tới cấu trúc của lớp trung bì bao gồm các sợi collagen và gel liên kết, thậm chí ở bước sóng dài nhất, khoảng 400nm, UVA còn có thể tác động đến lớp hạ bì nằm sâu phía trong.
Tương tự như vậy, khi mắt bạn tiếp xúc với UVA, loại tia cực tím này có thể tác dụng sâu tới vùng võng mạc, những tác động này mặc dù nhỏ nhưng bạn lại phải tiếp xúc hàng ngày, hàng giờ nên theo thời gian sẽ mang tới những ảnh hưởng rất lớn.
Tia UVB – Sóng ánh sáng trung
UVB với bước sóng 290nm – 320nm với lượng rất ít, chỉ chiếm khoảng 4-5% UV có trong ánh sáng mặt trời.
So với tia UVA thì khả năng xuyên thấu của UVB thấp hơn nhiều, đây chính là khiến tia bị giữ lại gần hết trong tại tầng khí quyển, có thể bị ngăn chặn bởi đám mây, quần áo hoặc những dụng cụ chống nắng như mũ, kính.
Khi tiếp xúc với da và mắt, UVB chỉ tác động chủ yếu trên lớp biểu bì bên trên chứ không ảnh hưởng sâu tới các cấu trúc bên trong.
Tuy nhiên, nếu so với UVA thì mức độ tác động của UVB mạnh hơn hẳn, gây tổn hại lớn cho lớp biểu bì, khiến da bị tổn thương và dẫn đến các vấn đề sạm, nám, cháy nắng…
Tia UVC – sóng ngắn
UVC có bước sóng ngắn nhất, chỉ khoảng 100nm – 290nm, với bước sóng này khi tiếp xúc thường xuyên đây loại tia cực tím này sẽ vô cùng nguy hại cho làn da, cơ thể và mắt, tấn công trực tiếp vào các vùng hạ bì và võng mạc, gây tổn thương cấu trúc tế bào, dẫn tới lão hóa và những căn bệnh nguy hiểm.
Nhưng điều may mắn là tia UVC bị giữ lại gần như toàn bộ bởi lớp ozone trong tần khí quyển, nên không gây hại tới sinh vật trên trái đất.
Yếu tố ảnh hưởng tới cường độ tia UV
Vị trí địa lý
Theo các nghiên cứu, vị trí càng gần xích đạo thì cường độ của tia UV, đặc biệt là UVB càng lớn và ngược lại. Bởi vậy những nước thuộc kiểu khí hậu nhiệt đới có tiềm năng về điện mặt trời nhất nhưng cũng phải đối diện với nhiều vấn đề như nắng nóng, lượng sắc tố da cao…
Độ cao so với mặt nước biển:
Những khu vực càng cao so với mặt nước biển thì cường độ các tia UV càng lớn, đó là lý do vì sao dù đi trượt tuyết, leo núi trên vùng núi giữa mùa đông bạn lại càng cần kem chống nắng hơn.
Khả năng phản xạ bề mặt
Với những vùng được bao phủ bởi tuyết, cát biển, nước – những vật liệu có khả năng phản xạ ánh sáng mặt trời mạnh mẽ – thì cường độ của các tia UV sẽ mạnh lên.
Ngược lại tại những thành phố tập trung nhiều tòa nhà cao tầng, hoặc nơi có nhiều cây cối bóng râm, tia UV được hấp thụ và số lượng, cường độ giảm đi đáng kể.
Thời gian trong ngày
Nắng mấy giờ làm đen da? Đây chắc chắn là câu hỏi của rất nhiều bạn gái, câu trả lời chính xác là khoảng 10h – 14h, lúc này mặt trời lên cao và chiếu sáng gần như vuông góc với mặt đất nên tia UV có khả năng tấn công mạnh nhất.
Lợi ích và Tác hại – Hai mặt của tia UV và ánh nắng mặt trời lên cơ thể
Lợi ích của tia cực tím – tia UV
Tổng hợp vitamin D
Đây là lợi ích lớn và được biết đến nhiều nhất của ánh nắng mặt trời, theo đó Vitamin D là một trong những vi chất cơ bản tham gia vào việc tổng hợp tế bào xương, hòa tan chất dinh dưỡng, giải tỏa căng thẳng…
Vitamin D được cơ thể tổng hợp bằng cơ chế chuyển hóa 7 dehydrochelestérin thành vitamin D, khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Khử trùng
Bằng cách xâm nhập và làm biến dạng hay tiêu diệt vi khuẩn, tia UV được áp dụng rất nhiều trong việc khử trùng không khí, khử trùng nguồn nước, khử trùng thực phẩm.
Tuy nhiên, để thực hiện những việc này bên cạnh sự hỗ trợ của máy móc thì còn cần một quy trình làm việc và thiết bị bảo hộ cần thiết để tránh những ảnh hưởng đến cơ thể.
Một số ứng dụng khác của tia UV là sử dụng trong các thiết bị phát hiện tiền giả, hộ chiếu, giấy tờ quan trọng và những ứng dụng trong thiên văn học, quan sát vũ trụ bằng tia tử ngoại.
Tác hại của tia tia UV tới làn da

Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của tia cực tím các nhà khoa học đã xây dựng một thang đo được gọi là thang đánh giá tia UV hay chỉ số UV( UV index).
Thang đo bao gồm các giá trị từ 0 ( mức thấp nhất) đến 11+ (mức cao nhất), càng lên cao thì tia UV càng có khả năng ảnh hưởng và gây hại tới mắt, làn da cũng như cơ thể của con người, gây bỏng, phá hủy cấu trúc da bên trong và ung thư.
Theo đó, với mức 11+, tia UV sẽ gây bỏng da trong thời gian tiếp xúc chỉ 10 phút, với mức 8-10, thời gian là 25 phút. Tại Việt Nam, mức UV cao nhất đạt mức 10/12, thuộc ngưỡng cao trên thế giới.
Bên cạnh cường độ thì bước sóng cũng là yếu tố quan trọng quyết định mức độ ảnh hưởng tới làn da. Cụ thể:
Tia UVA:
Với đặc tính là khả năng xuyên thấu cao, UVA dễ dàng xuyên qua tầng khí quyển, mây mù và quần áo để đi sâu vào lớp trung bì, hạ bì của da, kể cả trong những ngày mùa đông hay trời mưa rông.
Mặc dù, tác động của UVA với da là yếu nhất trong các loại tia vùng tử ngoại, nhưng nếu không có biện pháp che chắn và bảo vệ, khi tiếp xúc thường xuyên và lâu dài, UVA sẽ gây đứt gãy các sợi collagen trên da, phá hủy cấu trúc lớp bên trong, khiến da xuất hiện những vùng da chảy xệ, nếp nhăn và vết chân chim – những biểu hiện dễ thấy nhất của lão hóa.
Không chỉ có vậy, UVA mặc dù không kích thích mạnh mẽ tế bào sản xuất melanin nằm trong lớp đáy của biểu bì, nhưng sự tác động từ từ lại có thể gây ra những vấn đề như nám, vết đồi mồi sâu trong da, khó chữa hơn rất nhiều so với tổn thương bề mặt.
Tia UVB
So với tia UVA thì UVB có ảnh hưởng lên bề mặt tiếp xúc mạnh mẽ hơn rất nhiều lần, gây ra những tổn thương bỏng, rát, trên vùng da biểu bì, đồng thời kích thích mạnh mẽ sự tổng hợp melanin từ đó gây ra những vùng da sạm nắng, cháy nắng.
Bên cạnh đó, UVB còn tác động trực tiếp lên lớp màng acid trên da, gây ra tình trạng mất nước, dẫn tới khô da, giảm súc đề kháng trên da khiến da dễ dàng bị nứt nẻ và mụn hơn.
Đặc biệt, các nghiên cứu còn chỉ ra, nếu tiếp xúc thường xuyên UVB là nguyên nhân quan trọng gây ra hiện tượng lão hóa sớm, tổn thương, thậm chí là dẫn đến sự hình thành những khối u ác tính, ung thư da.
Tuy nhiên, điều may mắn là so với UVA thì UVB dễ ngăn chặn hơn nhiều, bởi khả năng xuyên thấu của loại tia tử ngoại này khá kém nên chỉ cần che chắn cẩn thận với những dụng cụ như áo, mũ, khẩu trang, kính, kết hợp thêm kem chống nắng với chỉ số chống nắng phù hợp thì làn da của bạn sẽ an toàn.
Tia UVC: Như đã phân tích, UVC là tia cực tím nguy hiểm có khả năng phá hủy tế bào nhanh chóng, gây ung thư da.
Tuy nhiên, vì phần lớn lượng tia tử ngoại này bị giữ lại ở tần ozone nên bạn không cần quá lo lắng nhé.
Tác hại của tia uv – tia cực tím đến mắt
Bên cạnh biểu bì da thì cũng là bộ phận thường xuyên phải tiếp xúc với các loại tia cực tím UVA và UVB.
Theo cơ chế bảo vệ sau hàng triệu năm tiến hóa, phía trước của mắt có một lớp tế bào bao phủ bên trong mí mắt, lòng trắng của mắt để hạn chế tối đa tác động của tia cực tím.
Tuy nhiên, bởi mắt là bộ phận giúp tiếp nhận ánh sáng từ bên ngoài, nên nếu thời gian tiếp xúc với tia UV ở cường độ cao trong thời gian quá dài, lên khoảng 6-15h, hoặc khi bị phản chiếu nhiều trong môi trường như cát, nước, xi măng, mặt tuyết mà không được bảo vệ, mắt sẽ có phản ứng đau, nhìn mờ, chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng.
Theo các bác sỹ thì đây được xem là những phản ứng tạm thời của cơ thể, sẽ chỉ kéo dài trong khoảng 6-24 giờ, tối đa là 48 giờ rồi biến mất.
Tuy nhiên, nếu mắt của bạn thường xuyên phải tiếp xúc với tia UV cường độ cao trong thời gian dài sẽ gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến các bộ phận bên trong bao gồm thủy tinh thể, các tế bào thần kinh, tế bào vùng giác mạc, võng mạc, dịch mắt…
Hậu quả của hiện tượng này, nhẹ nhất sẽ gây khô mắt, nặng hơn sẽ là đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, hạt kết giác mạc, viêm giác mạc, một loại u ác tính nội nhãn cầu có thể hình thành ở bên trong mắt như mống mắt, bờ mi, choroids, từ đó gây suy giảm thị lực, cuối cùng là mù lòa vĩnh viễn.
Tác hại của tia uv và ánh nắng mặt trời lên cơ thể
Bên cạnh việc tác động lên lớp biểu bì trên các vùng da và mắt, tia UV trong ánh nắng mặt trời còn có thể gây ra hiện tượng rối loạn trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ, dẫn đến rối loạn mất nước cấp, từ đó dẫn tới các vấn đề về sức khỏe, đây chính là triệu chứng say nắng hay cảm nắng với các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, hỗn loạn nhịp tim có thể gây đột tử.
Cách bảo vệ da và mắt trước tác động của tia cực tím

- Sử dụng kem chống nắng phù hợp
Hầu hết tất cả những vấn đề mà da của bạn có thể gặp phải như cháy nắng, nám da, lão hóa da, giảm sức đề kháng trên da, mụn hay ung thư da, tất cả đều có sự góp phần của tia UV trong ánh nắng mặt trời.
Bởi vậy, trước khi tìm hiểu về cách làm đẹp, dưỡng trắng, tái tạo trẻ hóa hay bất kỳ một biện pháp nào, hãy luôn lưu ý đến việc bảo vệ da trước. Biện pháp tốt nhất, đơn giản và gọn nhẹ nhất chính là sử dụng các loại kem chống nắng.
Hiện nay trên thị trường, có hàng trăm thương hiệu kem chống nắng khác nhau, bao gồm các loại chống nắng vật lý, chống nắng hóa học, hoặc các dạng như dạng kem, dạng gel, dạng sữa…
- Dùng dụng cụ chống nắng cho từng vùng cơ thể
Kem chống nắng mặc dù có hiệu quả rất tốt, tuy nhiên trong những ngày trời nắng với cường độ cao nếu không che chắn cẩn thận bạn vẫn sẽ gặp phải tình trạng bỏng, rát là rất bình thường.
Không chỉ có vậy, bạn đâu thể thoa kem chống nắng lên mắt hay tóc phải không? Bởi vậy, những dụng cụ như kính mắt, mũ, áo, váy hay khẩu trang chống nắng là không thể thiếu, nhất là khi bạn sử dụng xe máy là phương tiện di chuyển chính.
- Uống đủ nước – Ăn nhiều rau xanh bảo vệ từ bên trong
Rất nhiều loại thực phẩm được chứng minh là có khả năng tăng cường sức khỏe cho làn da, chống lại tác hại của tia UV bao gồm trà xanh, nha đam, các loại quả chứa Vitamin C hay các chất chống oxy hóa mạnh mẽ như Nghệ. Việc thường xuyên sử dụng các loại rau, củ quả này sẽ góp phần quan trọng để bảo vệ da từ bên trong.
Bên cạnh đó, việc uống đủ nước hàng ngày cũng quan trọng không kém để đảm bảo hoạt động của tế bào cũng như bù lại sự mất nước dưới tác độc của tia UV, ngừa khô da, lão hóa da.
Hi vọng rằng, với những thông tin chi tiết về bản chất của tia cực tím – tia UV là gì, cũng như tác hại cùng những phương pháp giúp bạn tự bảo vệ được cung cấp trong bài viết có thể góp phần duy trì tuổi xuân và sức khỏe của làn da.
Còn rất nhiều những kiến thức bổ ích khác về chống nắng và làm đẹp da sẽ tiếp tục chia sẻ tại Hello!Pháiđẹp, cùng tiếp tục đồng hành nhé!
Nếu cảm thấy bài viết hữu ích, đừng quên chia sẻ để lưu giữ và lan tỏa kiến thức tới người thân và bạn bè nhé!