Xét nghiệm nội tiết LH là một trong những bước quan trọng nhất để đánh giá tình trạng sức khỏe của bạn. Vậy xét nghiệm này được thực hiện như thế nào, ở đâu? Chỉ số LH thấp và cao phản ánh điều gì? Hãy cùng đi tìm câu trả lời chính xác và đầy đủ nhất qua bài viết dưới đây cùng Hello!PháiĐẹp nhé!
Hormone LH là gì? Vai trò và quá trình sản xuất

Hormone Luteinizing – Hormone LH là hormone được sinh ra ở tuyến yên trước, được sản xuất và điều hòa thông qua một hệ thống gọi là trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục khá phức tạp với sự tham gia của nhiều hormone vùng dưới đồi và tuyến sinh dục.
Vai trò của hormone LH là kiểm soát hoạt động và chức năng buồng trứng ở nữ giới và tinh hoàn ở nam giới, nên đây được gọi là một hormone sinh dục.
- Với nữ giới
Hormone LH ảnh hưởng tới toàn bộ chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, với vai trò khác nhau trong mỗi giai đoạn.
- Giai đoạn nang noãn: Là khoảng tuần thứ nhất và thứ 2 của chu kỳ, lúc này hormone LH sẽ kích thích nang trội sản sinh Estradiol (là loại nội tiết tố nữ Estrogen chủ yếu trong độ tuổi sinh sản), loại hormone này giúp niêm mạc tử cung phát triển nhanh chóng, từ lên từ 5-6mm thành 8-12mm.
- Rụng trứng: Vào khoảng ngày thứ 12-14 của vòng kinh 28 ngày, lượng hormone LH và FSH tiết ra cao nhất sẽ kích thích nang trứng vỡ ra và giải phóng noãn trưởng thảnh( trứng) sẵn sàng cho thụ tinh.
- Giai đoạn hoàng thể
Lúc này hormone LH sẽ kích thích nang hoàng thể( là phần còn lại của nang trứng sau khi phóng noãn) sản xuất Progesterone, khiến niêm mạc dày lên và cuộn xoắn lại sẵn sàng đón trứng và thụ tinh.
Sau 14 ngày nếu trứng không được thụ tinh, hoàng thể tiêu biến sẽ gây hiện tượng hành kinh, kết thúc giai đoạn hoàn thể chu kỳ kinh nguyệt và bước vào vòng kinh mới.
Nếu trứng được thụ tinh, hormoen LH sẽ tiếp tục vai trò kích thích nang hoàng thể tiết progesteron, kéo dài tới tuần 15-16 của thai kỳ, giúp thai nhi phát triển trước khi nhau thai hoạt động ổn định, đây gọi là Giai đoạn hoàng thể thai nghén.
- Với nam giới
Không phức tạp với nhiều giai đoạn như phái nữ, ở nam giới Hormone LH đóng vai trò kích thích sản xuất hormone sinh dục nam Testosteron từ các tế bào Leydig trong tinh hoàn. Từ đó Hormone Testosteron sẽ kích thích sản sinh tinh trùng và xác định những đặc tính nam giới bao gồm: khung cơ thể lớn hơn, lượng cơ nhiều hơn, giọng nói trầm và ồm, lông tóc dày rậm…
Quy trình xét nghiệm nội tiết LH
- Khi nào cần thực hiện xét nghiệm nội tiết LH
Hormone LH có ảnh hưởng quan trọng tới khả năng sinh sản, liên quan tới khả năng và ngày rụng trứng, bất cứ sự rối loạn nào về nồng độ hormone LH cũng là dấu hiệu bệnh lý về tuyến yên, vùng hạ đồi hoặc suy giảm chức năng sinh dục.
Bởi vậy việc xác định nồng độ hormone LH trong cơ thể thông qua xét nghiệm là bước không thể thiếu khi thực hiện thăm khám sức khỏe sinh sản hoặc điều trị các bệnh liên quan tới tuyến nội tiết, tuyến sinh dục, vô sinh – hiếm muộn.
Dưới đây là một số trường hợp bạn sẽ được chỉ định thực hiện:
- Khám sức khỏe sinh sản tổng quan trước khi sinh con hoặc kết hôn.
- Thăm khám xác định ngày rụng trứng để tăng khả năng thụ thai với các cặp vợ chồng mong con.
- Gặp phải các rối loạn nội tiết, rối loạn hoạt động cơ quan sinh dục như: rối loạn kinh nguyệt, vô kinh ở nữ giới; mức testosterone thấp, giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh, giảm khối lượng cơ bắp.
- Khó có con khi sức khỏe và sinh hoạt tình dục bình thường
- Dấu hiệu rối loạn tuyến yên bao gồm mệt mỏi, chán ăn, sụt cân kéo dài không rõ nguyên nhân.
- Bé trai bé gái bước vào tuổi dậy thì sớm hơn hoặc muộn hơn so với bình thường với các dấu hiệu kinh nguyệt, phát triển vú và lông mu ở nữ giới; tăng trưởng dương vật và tinh hoàn ở nam giới.
- Quy trình xét nghiệm hormone LH
- Thời gian xét nghiệm:
Với phụ nữ , hàm lượng LH cao nhất đạt vào trước ngày rụng trứng, tuy nhiên xét nghiệm xác định chỉ số LH trong máu được chỉ định cùng với xét nghiệm FSH, vào ngày thứ 2-4 của chu kỳ, lúc này lượng Estrogen và Progesteron xuống thấp nhất, nồng độ LH được coi là mức cơ bản để đánh giá tình trạng và mức tăng hoặc giảm.
Với nam giới, việc xét nghiệm chỉ số LH có thể thực hiện bất kỳ thời điểm nào trong tháng.
- Quy trình
Xét nghiệm hormone LH là xét nghiệm máu, bạn không cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện, việc lấy máu chỉ mất một vài phút việc trả và tư vấn kết quả sẽ theo chỉ định của bác sỹ.
- Lưu ý:
Xét nghiệm chỉ số LH có phải nhịn ăn không? Đây cũng là một thắc mắc của rất nhiều người, câu trả lời là không cần, vì hàm lượng hormone này không thay đổi nhiều trước hoặc sau khi ăn, tuy nhiên nếu bạn muốn nhịn cũng không ảnh hưởng gì.
Một lưu ý cuối cùng là một số loại thuốc hormone, thuốc tránh thai hoặc thuốc điều trị bệnh lý tuyến yên sẽ ảnh hưởng tới kết quả, bởi vậy hãy thông báo để được hướng dẫn chính xác từ bác sỹ.
Chỉ số LH bình thường là bao nhiêu? Chỉ số LH thấp và cao nói lên điều gì?

Kết quả bình thường của chỉ số LH là từ từ 0,8–26 IU/L, cao hơn hoặc thấp hơn khoảng đơn vị đó đều là dấu hiệu bất thường trong hoạt động vùng hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng.
- Chỉ số hormone LH thấp hơn 0.8IU/L
Đây là dấu hiệu của suy buồng trứng và suy tinh hoàn thứ phát, nghĩa là nguyên nhân phát sinh do các bệnh lý liên quan tới vùng hạ đồi, tuyến yên như suy giảm chức năng, khối u, từ đó làm giàm lượng hormone GnRH, LH được tiết ra, ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng.
Nồng độ hormone LH thấp có thể gây vô sinh bởi do sự hạn chế sản xuất tinh trùng và trứng, quá thấp có thể ngừng sản xuất, gây rối loạn sinh tinh, rối loạn kinh nguyệt, vô kinh.
- Chỉ số hormone LH cao hơn 26IU/L
Điều này là dấu hiệu suy buồng trứng và suy tinh hoàn nguyên phát, nghĩa là bộ phận này đang gặp phải tình trạng bệnh lý, tâm sinh lý hoặc tuổi tác khiến chất lượng của trứng và tinh trùng thấp, khiến khả năng đáp ứng với hormone LH thấp từ đó phát tín hiệu tiết ra nhiều hormone hơn, đầy nồng độ lên cao.
Một số bệnh lý thường gặp của tình trạng này bao gồm hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh lý bẩm sinh như hội chứng Turner hoặc hội chứng Klinefelter
Hàm lượng hormone LH cao dễ phải đối mặt với nguy cơ vô sinh và khó điều chị hơn, vì chất lượng của trứng và tinh trùng bị kém đi.
Xét nghiệm chỉ số LH ở đâu? Hết bao nhiêu tiền
Rất nhiều bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện quốc tế và bệnh viện tuyến tỉnh cung cấp dịch vụ này. Dưới đây là danh sách một số địa chỉ cho bạn tham khảo:
- Bệnh viện phụ sản trung ương
- Bệnh viện Từ Dũ
- Bệnh viện phụ sản Hà Nội
- Bệnh viện nội tiết trung ương
- Bệnh viện Bạch Mai
- Bệnh Viện Đại học Y hà nội
- Bệnh Việt Việt Tiệp Hải Phòng
- Khoa sản của các Bệnh viện Tỉnh
Về chi phí, tùy theo từng loại hình bệnh viện công, bệnh viện tư, bệnh viện quốc tế hay dịch vụ xét nghiệm tại nhà mức giá sẽ giao động từ khoảng 80.000VNĐ – 400.000VNĐ. Bạn có thể tham khảo bảng giá và quy trình của các bệnh viện để biết thêm thông tin chi tiết.
Chỉ cần đến vào ngày thứ 2 đến thứ 4 của chu kỳ, thực hiện một vài quy trình đơn giản bạn sẽ biết chính xác chỉ số hormone LH của mình và nhận được những lời khuyên bổ ích từ bác sỹ, để tiện lợi bạn có thể bàn bạc cùng vợ hoặc chồng để cùng lên kế hoạch thực hiện.Hi vọng bài viết đã giải đáp được phần nào những thắc mắc của bạn trong vấn đề này.
Còn rất nhiều kiến thức bổ ích khác về tình yêu, hôn nhân hay chuyện vợ chồng đang chờ bạn khám phá, cùng tiếp tục đồng hành cùng Hello!PháiĐẹp trong hành trình ý nghĩa này nhé!