Rất nhiều phụ nữ gặp những vấn đề về kinh nguyệt với nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng cũng như cách điều trị trong mỗi trường hợp là rất khác nhau, có thể chỉ là vấn đề mang tính thời kỳ, nhưng cũng có khả năng là dấu hiệu của một vấn đề bất thường tại cơ quan sinh sản hoặc hệ thống nội tiết!
Hãy cùng Hello!PháiĐẹp tìm hiểu thật chi tiết vấn đề này để hiểu hơn cũng như tự đánh giá tình trạng của cơ thể bạn ngay hôm nay nhé!
Bởi vậy, kinh nguyệt có thể xem là một trong những thước đo sức khỏe của phụ nữ, và bất kỳ rối loạn nào cũng có thể là dấu hiệu cho một vấn đề về cơ quan sinh sản hoặc hệ thống nội tiết!
Rối loạn kinh nguyệt là gì?

Kinh nguyệt là kết quả của 1 loạt biến đổi mang tính chu kỳ trong cơ quan sinh sản nữ giới, dưới tác động và điều chỉnh bởi các hormone vùng dưới đồi, tuyến yên và buồng trứng và của thường mang những đặc điểm riêng biệt.
Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt sẽ xuất hiện vào tuổi dậy thì ở bé gái, khoảng 12-16 tuổi, kết thúc vào tuổi mãn kinh 45-55 tuổi, với chu kỳ 21-35 ngày đều đặn hoặc xê dịch không nhiều, thời gian hành kinh kéo dài từ 2-7 ngày, lượng máu khoảng 2-6 thìa nhỏ, có thể kèm theo một số vấn đề như đau bụng, đau lưng, tiêu chảy…
Và bất kỳ những bất thường gì liên quan tới kinh nguyệt, bao gồm những bất thường về chu kỳ kinh, số ngày hành kinh, lượng máu kinh, màu máu kinh hay những triệu chứng kèm theo đều được gọi chung là những rối loạn kinh nguyệt!
Rối loạn kinh nguyệt có thể xuất hiện ở mọi phụ nữ, mọi lứa tuổi gây ra những bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày cũng như tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về bệnh tật.
Triệu chứng – Dấu hiệu của rối loạn kinh nguyệt
Về chu kỳ kinh nguyệt
- Kinh thưa
Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 35 ngày được gọi là kinh thưa, khiến cho kinh nguyệt tháng rưỡi, thậm chí 2-3 tháng mới xuất hiện 1 lần. Đa phần nguyên nhân là bởi giai đoạn phát triển của nang noãn bị kéo dài. Nếu vòng kinh đều đặn và không có dấu hiệu bất thường đa phần sẽ không cần điều trị, trừ một số trường hợp điều trị vô sinh, hiếm muộn.
- Đa kinh
Ngược lại, nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn ít hơn 21 ngày, hành kinh 2 tháng/ lần được gọi là đa kinh, gây khá nhiều bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Nguyên nhân của tình trạng này là bởi noãn phát triển nhanh, giai đoạn phát triển noãn ngắn hơn bình thường.
- Chu kỳ kinh không đều
Khi chu kỳ kinh, lượng máu kinh của bạn không tuân theo quy luật, hoặc có một số giai đoạn ra máu ngoài chu kỳ kinh nguyệt thông thường, điều này thường là dấu hiệu của một số bệnh lý về cơ quan sinh dục.
- Vô kinh: Là hiện tượng phụ nữ trên 18 tuổi không xuất hiện kinh nguyệt, hoặc đã từng có kinh nhưng lại mất kinh 3 tháng liên tiếp.
Về thời gian hành kinh
- Rong kinh: Chu kỳ kinh đều, hành kinh kéo dài trên 7 ngày
- Rong huyết: Chu kỳ kinh nguyệt không đều, hành kinh kéo dài trên 7 ngày
- Rong kinh rong huyết: Khi chu kỳ kinh nguyệt của bạn kéo dài trên 15 ngày.
Về máu kinh
- Cường kinh: Lượng máu ra nhiều, nếu > 300ml/ kỳ kinh được gọi là băng kinh.
- Thiểu kinh: hành kinh ít hơn 2 ngày, với số lượng máu kinh < 20ml/kỳ.
- Máu kinh có màu hoặc mùi bất thường, có thể kèm theo các cục máu đông.
Về triệu chứng khác:
Trước và trong ngày hành kinh, phụ nữ cũng có thể gặp phải một số triệu chứng bất thường khác như đau bụng dữ dội, tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt. Nếu những tình trạng này trở nặng bất thường cũng được coi là 1 triệu chứng của rối loạn kinh nguyệt.
> Xem ngay: Cách tính chu kỳ kinh nguyệt chính xác nhất
Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, dưới đây sẽ là những nguyên nhân chính:
- Rối loạn nội tiết tố
Sự xuất hiện của kinh nguyệt được điều kiển bởi 1 loạt những hormone quan trọng như FSH, LH, Estrogen, Progesterone được tiết ra bởi vùng dưới đồi, tuyến yên và buồng chứng, chỉ đạo sự phát triển của noãn, niêm mạc tử cung. Bởi vậy rối loạn nội tiết, đặc biệt là nội tiết tố nữ sẽ gây ra những rối loạn về kinh nguyệt. Nguyên nhân bao gồm:
- Tuổi tác:
Có 3 thời điểm nội tiết tố nữ có sự thay đổi nhiều nhất bao gồm: Dậy thì, Tiền mãn kinh, Sau sinh:
- Ở tuổi dậy thì cơ thể của phụ nữ trải qua những thay đổi rất lớn, lượng hormone estrogen và proesterone có thể chưa đạt được mức cân bằng, gây ra những bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Tiền mãn kinh là giai đoạn buồng trứng suy giảm, khả năng bài tiết nội tiết tố từ đó mà ảnh hưởng gây ra các triệu chứng tiền mãn kinh, trong đó phổ biến là sự rối loạn kinh nguyệt.
- Sau sinh cơ thể phụ nữ ở một trạng thái đặc biệt do có sự hoạt động của các hormone ức chế kinh nguyệt. Bởi vậy không có kinh và rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng rất thường gặp.
- Sử dụng các biện pháp hormone
Đặt vòng tránh thai nội tiết, Cấy que tránh thai, Uống thuốc tránh thai sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự cân bằng nội tiết, từ đó ảnh hưởng tới kinh nguyệt.
Thực tế, rất nhiều phụ nữ gặp phải tình trạng rối loạn chu kỳ, rong kinh hay cường kinh sau khi thực hiện những thủ thuật này. Tuy nhiên, phần lớn những triệu chứng sẽ biến mất sau khoảng 3 tháng, nếu không phụ nữ sẽ phải sử dụng những biện pháp tránh thai khác.
- Bệnh lý tuyến nội tiết
Các bệnh tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự cân bằng nội tiết và kinh nguyệt của phụ nữ
- Lưu ý:
Bên cạnh các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nội tiết tố có thể kèm theo một số dấu hiệu khác như mụn nội tiết, các biểu hiện tiền mãn kinh, sự suy giảm về sinh lý nữ, đây là căn cứ để bạn có thể phân biệt rối loạn gây ra bởi hormone và rối loạn gây ra bởi thực thể.
- Nguyên nhân thực thể:
- Thai nghén bất thường:
Chửa ngoài tử cụng, dọa sảy thai hoặc sảy thai sẽ gây ra hiện tượng kinh nguyệt, ra máu bất thường có thể bị nhầm lẫn thành kinh nguyệt. Bên cạnh đó, nguyên nhân này còn kèm theo các triệu chứng, thường gặp nhất là đau bụng dữ dội, khó cầm máu.
- Bệnh lý cơ quan sinh dục:
Bất kỳ vấn đề gì ở tử cung, cổ tử cung, vòi trứng, buồng trứng cũng đều có thể gây ra những rối loạn về kinh nguyệt.
Những tổn thương thực thể thường gặp nhất có thể kể đến là u xơ tử cung – polyp cổ tử cung – polyp buồng tử cung, quá sản nội mạc tử cung, ung thư niêm mạc tử cung, ung thư cổ tử cung, buồng trứng đa nang, u nang buồng trứng…
Bên cạnh tổn thương thực thể, các vấn đề liên quan tới nhiễm khuẩn cũng có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt: viêm nhiễm âm đạo, viêm buồng trứng, viêm niêm mạc tử cung.
Các loại bệnh lý khác nhu các bệnh về đường sinh dục cũng ảnh hưởng lớn tới kinh nguyệt, dẫn tới ra máu bất thường hoặc là nguyên nhân gây ra tổn thương thực thể khác.
- Những nguyên nhân khác
- Chế độ dinh dưỡng
Những người bị béo phì, tiểu đường, cao huyết áp có nguy cơ mắc phải các rối loạn kinh nguyệt cao hơn so với phụ nữ khác. Nguyên nhân là bởi tình trạng bệnh cũng như các loại thuốc mà họ cần sử dụng ảnh hưởng tới hệ thống nội tiết trong cơ thể.
- Tập luyện
Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc tập luyện quá sức, quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới lượng estrogen trong cơ thể từ đó gây mất cân bằng nội tiết, hậu quả là các rối loạn về kinh nguyệt.
- Tình trạng tâm lý
Yếu tố này ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các tuyến nội tiết, việc lo âu, hoặc gặp áp lực trong thời gian dài có thể khiến cơ thể tiết ra nhiều hormone không tốt, ức chế sự hoạt động của các hormone quan trọng từ đó ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và kinh nguyệt của phụ nữ.
- Sự thay đổi điều kiện sống
Với một số trường hợp khi cơ thể quá nhạy cảm, kinh nguyệt của phụ nữ có thể bị ảnh hưởng khi thời tiết thay đổi, hoặc chuyển nơi sống.
Rối loạn kinh nguyệt có ảnh hưởng gì?

Kinh nguyệt là một chu kỳ lặp đi lặp lại, bởi vậy rối loạn kinh nguyệt sẽ gây ra những ảnh hưởng về tất cả mọi mặt trong cuộc sống của phụ nữ.
- Ảnh hưởng tới sức khỏe
- Nguy cơ vô sinh:
Kinh nguyệt phản ánh sự bất thường trong sự phát triển của noãn, niêm mạc, hoặc bệnh lý liên quan tới cơ quan sinh dục, tất cả những yếu tố này đều gây khó khăn cho quá trình thụ thai và mang thai. Bởi vậy, rối loạn kinh nguyệt chính là dấu hiệu chỉ điểm, thường gặp trong các bệnh lý về vô sinh, hiếm muộn
- Nguy cơ mắc bệnh phụ khoa
Việc chu kỳ kinh nguyệt kéo dài sẽ là cơ hội cho các viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục phát triển, điển hình là viêm âm đạo, viêm tử cung, buồng trứng.
- Thiếu máu
Hiện tượng cường kinh, băng kinh hay kinh nguyệt kéo dài với lượng kinh có thể lên tới 300ml/ chu kỳ, dễ dẫn đến thiếu máu với các biểu hiện như chóng mặt, mệt mỏi, xanh xao ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và sức khỏe tổng thể.
- Ảnh hưởng tới cuộc sống
- Gây bất tiện trong cuộc sống
Rong kinh, Rong huyết hay Kinh nguyệt quá nhiều đều gây ra những khó chịu cho phụ nữ, nhất là khi còn kèm theo các triệu chứng khác như đau bụng, đi ngoài.
Ngoài ra kinh nguyệt không đều sẽ khiến bạn chuẩn bị không tốt, bất tiện mỗi khi “đèn đỏ” ghé thăm bất chợt.
- Ảnh hưởng tới sinh hoạt tình dục
Kinh nguyệt kéo dài khiến những cuộc yêu của bạn phải trì hoãn, trở nên thất thường hoặc làm tăng nguy cơ viêm nhiễm lên cao khi quan hệ vào những ngày hành kinh, thật bất tiện và ảnh hưởng không nhỏ tới tình cảm trong gia đình.
- Ảnh hưởng tới ngoại hình – nhan sắc – tâm sinh lý
Sự cân bằng giữa các nội tiết tố nữ là yếu tố quan trọng quyết định tới sức khỏe, sắc đẹp và sinh lý nữ. Rối loạn nội tiết không chỉ gây rối loạn kinh nguyệt mà còn khiến phụ nữ gặp phải rất nhiều vấn đề như nổi mụn, làn da xuống cấp và xù xì, suy giảm sinh lý và tâm lýTiền mãn kinh và Mãn kinh cùng những triệu chứng như lão hóa, dễ cáu gắt, nóng tính chính là biểu hiện dễ thấy nhất.
Cách chữa rối loạn kinh nguyệt
Tùy theo từng nguyên nhân mà phụ nữ sẽ được chỉ định điều trị rối loạn kinh nguyệt hiệu quả.
- Nguyên nhân bệnh lý:
Với những rối loạn kinh nguyệt do bệnh về tuyến nội tiết như tuyến giáp, tuyết yên; bệnh về cơ quan sinh dục thì cần điều trị các bệnh lý đó, việc điều trị này sẽ mang tới rất nhiều tác động tích cực, không chỉ giúp điều hòa kinh nguyệt mà còn giúp bạn tránh được những nguy cơ nguy hiểm khác.
- Rối loạn cơ năng:
Những rối loạn mang tính giai đoạn, rối loạn do chế độ sinh hoạt có thể điều trị và theo dõi tại nhà với một số gợi ý đơn giản:
- Cải thiện chế độ sinh hoạt:
Một thời gian biểu khoa học với giấc ngủ đủ, thực đơn giàu dinh dưỡng, hạn chế tối đa các chất gây nghiện như thuốc lá, rượu bia sẽ giúp cơ thể bạn khỏe mạnh và thường xuyên được tái tạo, hạn chế rất hiệu quả những rối loạn liên quan tới nội tiết.
Bên cạnh đó, những bài tập nhỏ mỗi ngày sẽ giúp máu huyết lưu thông, thanh lọc cơ thể cũng đẩy lùi những rối loạn này.
- Ổn định tâm lý
Bên cạnh làm việc, chăm sóc gia đình hãy dành thời gian để thư giãn, giữ tâm lý ổn định, giải tỏa những căng thẳng, nâng cao chất lượng của cuộc sống.
- Điều hòa kinh nguyệt tại nhà
Một số phương pháp điều hòa kinh nguyệt có thể thực hiện tại nhà như sử dụng thuốc tránh thai cũng có thể áp dụng dưới sự hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa.
Hi vọng qua bài viết, những câu hỏi như rối loạn nội tiết là gì? Nguyên nhân vì sao? Ảnh hưởng và chữa trị như thế nào sẽ không còn gây khó khăn cho đồng thời giúp chị em phụ nữ có đủ kiến thức để phần nào đánh giá tình trạng sức khỏe của bản thân mình!
Còn rất nhiều kiến thức bổ ích khác về tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình đang chờ bạn khám phá, cùng tiếp tục đồng hành cùng Hello!PháiĐẹp trong hành trình ý nghĩa này nhé!