Avobenzone là thành phần có thể tìm thấy trong các loại mỹ phẩm, đặc biệt là kem chống nắng hóa học. Hiện nay có khá nhiều thông tin trái chiều về tác dụng cũng như tác hại của hợp chất này.
Hôm nay hãy cùng Hello!PháiĐẹp tìm hiểu kỹ hơn về chủ đề này từ đó rút ra được những nhận xét cũng như quyết định cho riêng mình nhé!
Avobenzone là gì? Tác dụng và tác hại

Định nghĩa
Avobenzone là dẫn xuất metan dibenzoyl với công thức hóa học là C20H22O3, bột tinh thể màu trắng đến vàng, hòa tan trong isopropanol , decyl oleate, axit triglyceride / axit capric và các loại dầu khác.
Avobenzone được phát hiện vào năm 1973 và được sử dụng rộng rãi khắp Châu Âu sau năm 1978. Tại Mỹ, năm 1998 Avobenzone đã được FDA chấp thuận xuất hiện trong các sản phẩm mỹ phẩm, và cho tới nay thành phần này vẫn được xác định là an toàn khi sử dụng bôi ngoài da.
Tác dụng của Avobenzone
Tác dụng nổi bật nhất của Avobenzone là khả năng hấp thụ các tia cực tím, phân hủy một phần năng lượng thành nhiệt, từ đó biến đổi các tia UV này thành các loại ánh sáng năng lượng thấp ít gây hại cho da hơn, bởi vậy, Avobenzone được xếp vào nhóm kem chống nắng hóa học sunscreen, tạo màng lọc UV.
Về hiệu quả, Avobenzone có mức hấp thụ tối đa là bước sóng 375nm, vì vậy có thể lọc được các bước sóng thuộc UVA I, UVA II và UVB, phân hủy một phần thành nhiệt, và biến chứng về bước sóng không gây hại như tia hồng ngoại hoặc ánh sáng nhìn thấy, trở thành một thành phần chống nắng phổ rộng.
Chính vì khả năng này, Avobenzone là thành phần xuất hiện thường xuyên trong các dòng chống nắng, kem dưỡng vào ban ngày, hoặc son môi, sản phẩm trang điểm để bảo vệ các tế bào da, các cấu trúc collagen, elastin và DNA khỏi tác hại của các loại tia cực tím, ngăn chặn quá trình tăng sinh Melanin từ đó ngừa nám da, lão hóa, và những bệnh lý nguy hiểm như ung thư da.
Tác hại của Avobenzone
Gây kích ứng da
Kem chống nắng hóa học có tỷ lệ kích ứng cao hơn so với kem chống nắng vật lý, điều này được giải thích là bởi các loại chống nắng vật lý sunblock thường không thấm vào trong da mà chỉ nằm trên bề mặt, nhiều nhà sản xuất còn tăng cường các thành phần bọc bên ngoài như các loại silicon để tăng đặc tính này, bởi do ít tiếp xúc nên hiển nhiên tỷ lệ kích ứng cũng sẽ thấp hơn.
Trong khi đó, kem chống nắng hóa học cần thấm vào trong da mới phát huy tác dụng, đó là lý do bạn cần phải đợi khoảng 15-20 phút sau khi thoa mới được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Và khi đã tiếp xúc hiển nhiên tỷ lệ kích ứng sẽ cao hơn, và hiển nhiên Avobenzone cũng tương tự như vậy.
Với những bạn sở hữu làn da khỏe, ít nổi mụn, ít dị ứng, kích ứng điều này sẽ không gây ra quá nhiều vấn đề, nhưng với da nhạy cảm, da yếu, da khô, da mụn hoặc da đang mắc phải một số bệnh da liễu thì có thể gây ra kích ứng.
Biểu hiện mà bạn cần quan tâm là ửng đỏ, đau rát, sưng, ngứa thậm chí là nổi mụn, nổi mề đay. Hãy ngưng sử dụng và tham khảo ý kiến của bác sỹ nếu tình trạng không thuyên giảm.
Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có nghĩa sản phẩm có hại cho da, vì thực tế bất cứ thành phần nào cũng có một tỷ lệ kích ứng nhất định, ngay cả những thành phần được xem là tốt nhất, thần dược cho da. Chỉ là da bạn không hợp và nên tìm kiếm sản phẩm thay thế.
Gây độc hại cho da
Thực tế avobenzone được coi là an toàn, nhưng một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học quốc gia Lomonosov Moscow Nga lại cho thấy nước clo, nước biển và ánh sáng cực tím có thể khiến avobenzone tan rã thành nhiều hợp chất hữu cơ khác, bao gồm; axit thơm, aldehyde, phenol và acetophenone có thể có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chỉ trong phạm vi ảnh hưởng trên bãi biển hoặc bể bơi ngoài trời, vẫn chưa được nghiên cứu kỹ càng.
Đồng thời, hiện nay các nhà sản xuất và nghiên đã đạt được nhiều bước tiến vượt bậc trong việc tăng cường tính ổn định, giảm nguy cơ phá hủy của avobenzone.
Và thực tế nhất, sau rất nhiều nghiên cứu FDA cũng như nhiều tổ chức nghiên cứu về mỹ phẩm khác khẳng định mức độ an toàn và đồng ý với việc sử dụng avobenzone rộng rãi trong nhiều sản phẩm.
Bởi vậy trừ khi da bạn thuộc loại nhạy cảm, đang gặp tình trạng mụn, viêm hay đặc biệt kích ứng với avobenzone thì có thể an tâm sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhé.
Nguồn tham khảo:
Sunscreen creams break down into dangerous chemical compounds under the sunlight
Stability and Removal of Selected Avobenzone’s Chlorination Products
Xem thêm: Kem chống nắng vật lý và hóa học, lựa chọn nào phù hợp nhất cho bạn?
Ưu – Nhược điểm và cách sử dụng Avobenzone
Ưu điểm
Tương tự như nhiều thành phần chống nắng khác, avobenzone có kết cấu nhẹ, thẩm thấu nhanh, không gây tình trạng bết dính, cũng không để lại vệt trắng trên da khi sử dụng.
Thứ hai là avobenzone không thấm nước nên sẽ là lựa chọn hoàn hảo khi bạn thường xuyên hoạt động mạnh, đi ngoài trời đổ mồ hôi nhiều, hay khi đi biển, đi bơi.
Không ảnh hưởng đến tone da, có thể thoải mái trang điểm
Nhược điểm
Vì tiếp xúc với da nên avobenzone có tỷ lệ kích ứng cao hơn so với các dòng kem chống nắng vật lý, nhất là với da nhạy cảm, da khô, da đang bị kích ứng, tổn thương.
Avobenzone kém bền, nhanh chóng bị phân rã và mất đi khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, để hạn chế tình trạng này, các nhà sản xuất kết hợp avobenzone với octocrylene, đồng thời khuyến cáo thoa lại thường xuyên.
Xem thêm: Uvinul A + và Uvinul T 150 – Hoạt chất chống nắng hóa học thế hệ mới cho da
Cách sử dụng octocrylene Avobenzone hiệu quả

Với tỷ lệ kích ứng cao hơn, hãy kiểm tra phản ứng của da trước khi quyết định dùng thường xuyên và lâu dài.
Lựa chọn chỉ số phù hợp, chỉ số càng cao hàm lượng Avobenzone càng cao, khả năng kích ứng càng cao: SPF 30+ và PA++ khi bạn làm việc trong nhà; SPF50, PA+++ khi bạn làm việc ngoài trời, chỉ số cao hơn khi bạn đang điều trị và cần bảo vệ da tuyệt đối.
Sử dụng mỗi ngày trên khắp các vùng mặt, cổ, viền tai và cơ thể để bảo vệ toàn diện. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để đảm bảo an toàn, tránh thoa nên mắt, miệng, vết thương hở.
Vì Avobenzone không bền, thoa lại sau mỗi 2h để đảm bảo hiệu quả chống nắng và bảo vệ da.
Không dùng với người dị ứng Avobenzone, không dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi, tham khảo ý kiến của bác sĩ khi dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
Hi vọng rằng đến đây mọi thắc mắc cũng như lo lắng của bạn về thành phần chống nắng hóa học Avobenzone đã có được lời giải thích đầy đủ để có thể an tâm lựa chọn và sử dụng những sản phẩm phù hợp với làn da của mình.
Xem thêm: Octinoxate là gì? Tác dụng và những nguy cơ khi dùng lâu dài
Đừng quên còn rất nhiều kiến thức, thông tin khác về làm đẹp da và chống nắng sẽ tiếp tục được chia sẻ, cùng tiếp tục theo dõi và đồng hành nhé!