Mụn luôn là mối quan tâm của rất nhiều người, không kể giới tính, lứa tuổi, bởi vậy việc tìm được cho mình những sản phẩm hiệu quả, thành phần phù hợp là điều được rất nhiều người quan tâm.
Và một trong những thành phần trị mụn tốt nhất hiện nay chính là Adapalene, hãy cùng Hello!PháiĐẹp tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết dưới đây nhé!
Adapalene là gì? Tác dụng và cơ chế hoạt động

Adapalene thuộc nhóm retinoids sử dụng tại chỗ thế hệ thứ ba, nghĩa là nó thuộc cùng một nguồn gốc với các thành phần nổi tiếng như Retinol hoặc Tretinoin.
Tuy nhiên về tác dụng, Adapalene có một sự khác biệt, nếu Retinol, tretinoin được dùng để trị mụn, đồng thời kích thích sự tái tạo của các tế bào, trẻ hóa da thì Adapalene lại được sử dụng chủ yếu trong điều trị mụn trứng cá, từ nhẹ đến vừa cũng như được sử dụng để điều trị viêm giác mạc cũng như các tình trạng da khác.
Riêng về mụn trứng cá, Adapalene có thể tạo liên kết với các thụ thể của hạt nhân axit retinoic cụ thể (gamma và beta) và thụ thể X retinoid nhưng không liên kết với protein thụ thể cytosolic, theo đó các nhà nghiên cứu cho rằng, sử dụng adapalene tại chỗ có khả năng giảm bất thường trong quá trình sừng hóa, biệt hóa của các tế bào biểu mô nang và biểu bì dẫn đến giảm sự hình thành microcomedone, chính là những bít tắc hình thành lên nhân mụn, đồng thời giúp tiêu nhân mụn và thúc đẩy nhân mụn trồi lên bề mặt nhanh hơn, giảm tổn thương cho da.
Với tình trạng viêm, Adapalene kháng viêm bằng cơ chế ức chế đáp ứng hóa ứng động và hóa tăng động của bạch cầu đa nhân ở người và cả sự chuyển hóa bằng clipoxid hóa acid arachidonic thành các chất trung gian tiền viêm.
Bởi vậy, Adapalene có thể giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá, bao gồm cả mụn viêm và mụn chưa viêm, bao gồm mụn đầu đen, mụn cám, mụn ẩn , sợi bã nhờn , đến mụn viêm đỏ, mụn mủ, mụn bọc, mụn dạng nang.
Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy Adapalene có khả năng ức chế sự biệt hóa của tế bào keratin và giảm lắng đọng keratin, từ đó mang tới tác dụng điều trị mô sẹo và giác mạc.
>> Xem thêm: Điểm danh những thành phần kem trị mụn hiệu quả nhất hiện nay!
Ưu nhược điểm của Adapalene trong trị mụn

Hiệu quả với nhiều loại mụn
Adapalene có thể sử dụng và có hiệu quả với hầu hết các loại mụn bao gồm mụn viêm, mụn chưa viêm, mụn có cồi hay mụn ẩn, mang tới tất cả những tác dụng bao gồm kháng viêm, tiêu cồi mụn, đẩy mụn từ bên trong.
Trong khi đó, những thành phần thường được sử dụng khác như Benzoyl Peroxide, Lưu huỳnh, Tinh chất tràm trà đều chỉ có hiệu quả tốt nhất với các loại mụn viêm bằng cách kháng viêm và diệt khuẩn.
Tốt cho da và ít tác dụng phụ
Nếu Benzoyl Peroxide gây kích ứng, lão hóa da, kích ứng đau rát thì ngược lại, Adapalene là một dẫn xuất của Vitamin A nên có khả năng tăng cường sự tái tạo của các tế bào da mới, trẻ hóa da và có thể sử dụng lâu dài.
Lưu huỳnh là một chất trị mụn hiệu quả và được sử dụng rất rộng rãi, nhưng nhược điểm là gây khô da rất nặng, bong tróc da, khiến da yếu đi và để lại vết thâm đậm màu sau mụn. Ngược lại, Adapalene có khả năng thúc đẩy tái sinh tế bào da, giúp lớp da trên cùng được bong ra nhanh chóng hơn, ngăn ngừa sự hình hành của thâm, sẹo. Mặc dù trong một số trường hợp cũng có thể gây khô da, nhưng đều khá nhẹ, không phải vấn đề lớn.
Chính vì Adapalene tốt cho da, nên bạn hoàn toàn có thể sử dụng thuốc trên diện rộng, sử dụng lâu dài mà không cần lo lắng vì những tác dụng phụ.
Không gây ra mụn chai
Với các thành phần diệt khuẩn mạnh, đặc biệt là Benzoyl Peroxide, nếu bạn thoa sản phẩm không đúng thời điểm, thường là sớm hơn lúc cồi mụn trồi lên thì khả năng mụn sẽ bị chai lại, đầu mụn bị bịt chặt, khiến mụn bị chai, rất khó trị.
Nhưng Adapalene do có tác dụng tiêu cồi và đẩy mụn nên bạn có thể sử dụng ngay từ lúc mụn mới xuất hiện để việc gom cồi trở nên nhanh hơn.
Bền vững và ít tác dụng phụ hơn các dẫn xuất Vitamin A khác
Mặc dù xét về hiệu quả, Adapalene có thể không mạnh bằng Tretinoin, Retinol nhưng Adapalene bền vững với môi trường hơn, dễ kết hợp hơn và ít tác dụng phụ hơn hẳn so với Tretinoin.
Bởi vậy, với các loại mụn từ nhẹ đến vừa, với những bạn có làn da nhạy cảm, việc sử dụng Adapalene có thể được khuyến khích hơn.
Hiệu quả trị mụn viêm có thể chậm hơn
Mặc dù an toàn hơn, tốt cho da hơn so với các thành phần khác, giúp gom cồi nhanh hơn nhưng điểm yếu của adapalene là tác dụng trị mụn viêm thường yếu và lâu hơn.
Bởi vậy, với các loại mụn chưa viêm như mụn đầu đen, mụn cám, mụn ẩn bạn có thể sử dụng đơn độc Adapalene, nhưng với mụn viêm, việc kết hợp Adapalene với những thành phần khác như Benzoyl Peroxide sẽ mang tới hiệu quả tốt hơn rất nhiều.
Cẩn trọng với phụ nữ mang thai và cho con bú
Vì là một dẫn xuất của Vitamin A, nên tương tự với những dẫn xuất khác, thành phần này nên hạn chế sử dụng cho phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ sơ sinh vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.
Chỉ sử dụng khi có sự chỉ định và theo dõi, đánh giá thường xuyên từ bác sỹ chuyên khoa.
Xem thêm: [Review] TOP 20 loại kem trị mụn hiệu quả tốt nhất hiện nay
Cách lựa chọn và sử dụng kem trị mụn Adapalene

Cách chọn kem trị mụn có Adapalene
Loại sản phẩm
Tỷ lệ Adapalene trong các sản phẩm trị mụn cho người từ 12 tuổi trở lên thường có tỷ lệ là 0.1 – 0.3%, có thể sử dụng duy nhất Adapalene làm hoạt chất điều trị hoặc kết hợp với những thành phần khác, nổi bật là Benzoyl Peroxide.
Một số sản phẩm nổi bật bao gồm:
Thuốc trị mụn Azaduo với thành phần Adapalene 0.1% + Benzoyl Peroxide 2.5% (dưới dạng Hydrous Benzoyl Peroxide) 250 mg.
Thuốc trị mụn differin với thành phần Adapalene 0.1%.
Đối tượng sử dụng
Hoạt chất Adapalene phù hợp với tình trạng da mụn từ nhẹ đến vừa, với mụn viêm nặng hiệu quả của Adapalene sẽ giảm rõ rệt.
Không sử dụng Adapalene lên vết thương hở, vùng da bị trầy xước, không sử dụng với người mắc hoặc đã từng mắc eczema (viêm da tiết bã), vì việc sử dụng Adapalene có thể khiến tình trạng này nặng hơn.
Không sử dụng với người đang hoặc đã từng mắc, điều trị ung thư.
Độ tuổi sử dụng
Chưa có báo cáo về hiệu quả và mức độ an toàn của các sản phẩm bôi ngoài da có chứa Adapalene với độ tuổi từ 11 trở xuống, bởi vậy hoạt chất này nên sử dụng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên và người lớn.
Thận trọng và cần được sự kê đơn, kiểm soát của bác sỹ chuyên khoa cho phụ nữ mang thai và cho con bú hoặc những người đang có ý định mang thai.
Hướng dẫn sử dụng kem trị mụn có Adapalene
Loại mụn sử dụng: Tất cả các loại mụn trứng cá từ nhẹ đến vừa, viêm hoặc chưa viêm.
Loại da sử dụng: Tất cả các loại da, bao gồm da thường, da nhờn, da hỗn hợp, da khô, với da nhạy cảm cần thử phản ứng của da trước khi sử dụng.
Cách dùng:
– Sau khi làm sạch da mặt, bạn có thể thoa một lơp toner dưỡng ẩm để tăng khả năng dưỡng ẩm của da, sau đó lấy một lượng vừa phải thuốc, thoa lên vùng da mụn.
– Sử dụng 2 lần/ ngày vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ để có hiệu quả tốt nhất.
Lưu ý khi sử dụng:
– Với Adapalene, bạn sẽ cần khoảng 8-12 tuần để thấy kết quả, nhất là với mụn viêm.
– Luôn sử dụng các sản phẩm kem chống nắng và bảo vệ da vào buổi sáng, với SPF tối thiểu 30 kết hợp kính mát, khẩu trang, quần áo chống nắng, nhất là khi bạn đang sử dụng các sản phẩm điều trị mụn.
– Không thoa lên vùng quá gần mắt, khóe miệng, tránh tiếp xúc với mắt, nếu tiếp xúc rửa ngay với nước sạch.
– Tương tác thuốc: Không kết hợp Adapalene với Salicylic Acid, các chất thuộc AHA, Resorcinol, cồn, tinh dầu chanh, lưu huỳnh,vì có thể làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ.
– Sản phẩm có thể tương tác với thuốc, thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ để loại trừ những hậu quả có thể xảy ra.
Tác dụng phụ khi sử dụng Adapalene:
– Từ 1-10% người dùng sẽ có cảm giác nóng, hoặc châm chích cũng như khô da, bong tróc, ửng đỏ trong 2 tuần đầu tiên khi sử dụng, nhất là những bạn chưa từng sử dụng các dẫn xuất của Vitamin A. Nếu tình trạng không quá nặng thì đây là phản ứng bình thường của da, và sẽ giảm theo thời gian.
– Nếu tình trạng kích ứng nặng hơn, xuất hiện mụn, ngứa, phát ban, mề đay, nặng hơn là khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi và họng có thể bạn đang dị ứng với Adaplane, hãy ngưng sử dụng ngay lập tức và tìm kiếm sự tư vấn từ bác sỹ cũng như lưu ý khi chọn các sản phẩm về sau.
Đến đây hi vọng rằng những thắc mắc của bạn xoay quanh tác dụng, cách lựa chọn cũng như sử dụng hiệu quả các sản phẩm trị mụn có chứa thành phần Adapalene đã có được đáp án đầy đủ nhất.
Xem thêm: [Review] TOP 20 loại kem trị mụn hiệu quả tốt nhất hiện nay
Đừng quên còn rất nhiều kiến thức, thông tin khác về làm đẹp da và trị mụn sẽ tiếp tục được chia sẻ tại Hello!Pháiđẹp, và đừng quên chia sẻ để cùng nhau lan tỏa những kiến thức hữu ích tới mọi người nhé!